Bức tranh thị trường F&B Việt Nam 2023: Vượt qua thách thức, bứt phá tăng trưởng
Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023, do iPOS.vn phối hợp cùng VIRAC và Hệ thống kênh thông tin F&B Việt Nam thực hiện, đã mang đến một bức tranh toàn cảnh về ngành F&B đầy sôi động và tiềm năng.
Báo cáo được xây dựng từ dữ liệu của gần 3.000 nhà hàng, quán cà phê, 4.000 thực khách và kết hợp với nhiều nguồn dữ liệu uy tín khác.
Điểm sáng trong bức tranh chung
Mặc dù 2023 là một năm đầy thách thức với nhiều ngành kinh tế, F&B Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 11,47%, đạt tổng doanh thu hơn 590.000 tỷ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.
Báo cáo cho thấy 79,6% doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát tin tưởng vào tương lai phát triển của ngành. Hơn 51% dự định mở rộng quy mô kinh doanh, thể hiện sự lạc quan và tiềm năng to lớn của thị trường.
Chi tiêu của người dân cho F&B có sự tăng trưởng nhẹ. Mức chi cho ăn uống ngoài tăng từ 5-10%, 14,9% thực khách sẵn sàng chi hơn 100.000 đồng cho bữa tối hàng ngày. Mức chi tiêu cho cà phê cũng tăng nhẹ, với 59,5% thực khách chi hơn 41.000 đồng cho một lần uống.
Nửa cuối năm 2023, các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến siết chặt khuyến mãi và tăng phí vận chuyển. Lượng đơn và tần suất đặt hàng giảm nhẹ, nhưng giá trị cho từng đơn hàng lại gia tăng. Doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 vẫn tăng trưởng hơn 20,18%, đạt 52.400 tỷ đồng.
Dự báo cho năm 2024: Tiếp đà tăng trưởng với nhiều xu hướng mới
Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ của các động lực đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng được dự đoán sẽ có bước tăng trưởng ấn tượng.
Năm 2024 hứa hẹn sẽ mang đến một bức tranh rực rỡ cho ngành F&B Việt Nam với giá trị thị trường dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023, đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng. Trong đó, các cửa hàng F&B độc lập vẫn giữ vai trò chủ đạo với 93,9% thị phần, khẳng định vị thế thống trị của mô hình này.
Xu hướng nổi bật trong ngành F&B năm 2024
1. Làn sóng đồ uống tiện lợi
Nhu cầu ngày càng cao cho sự tiện lợi và nhanh chóng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Với chi phí đầu tư hợp lý, vị trí thuận tiện, cùng menu đa dạng phù hợp với mua mang đi và giao hàng, phân khúc này hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2024.
2. Cuộc đua Michelin:Nâng tầm đẳng cấp ẩm thực Việt
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà hàng cao cấp để nhận giải thưởng Michelin danh giá đang trở thành xu hướng nổi bật. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, các thương hiệu F&B đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng. Cuộc đua Michelin không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.
3. Nâng cao chất lượng và trải nghiệm
Nắm bắt xu hướng chung của thị trường, các doanh nghiệp F&B sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng để thu hút và giữ chân thực khách.
Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 cho thấy một bức tranh đầy hứa hẹn cho ngành F&B. Nắm bắt được xu hướng và áp dụng chiến lược phù hợp sẽ giúp các doanh nghiệp F&B thành công trong thị trường đầy tiềm năng này.
Bảo Anh