Xuất khẩu rau quả, gạo sẽ tiếp tục "bứt tốc" trong những tháng cuối năm
Rau quả, gạo đang trở thành ngôi sao sáng nhất trong mảng nông nghiệp, khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Trong khi nhiều ngành hàng gặp khó thì xuất khẩu gạo và rau quả đang tiếp tục băng băng về đích.
Rau quả đang trở thành ngôi sao sáng nhất trong mảng nông nghiệp, khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, đạt 1 tỷ USD, con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm của ngành hàng này. Kết quả đó giúp toàn ngành cán mức gần 2,8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Trung Quốc chiếm thị phần 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam và có mức tăng trưởng hơn 80%.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết đầu năm toàn ngành dự báo con số xuất khẩu năm nay khoảng 4 tỷ USD, nhưng với đà tăng trưởng mạnh như hiện tại, mức 5 tỷ USD nằm trong tầm tay, thậm chí có thể vượt.
Loại quả đóng góp nhiều nhất vào thành công này là sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc. Xuất khẩu sầu riêng từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao. Chỉ trong tháng 5 trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt 332 triệu USD gấp 10 lần tháng trước, và qua tháng 6 sầu riêng mang về 350 triệu USD.
“Sầu riêng là sản phẩm Trung Quốc rất ưa chuộng, ta lại có lợi thế hơn Thái Lan là khoảng cách gần nên chi phí vận chuyển ít hơn, sản phẩm tươi ngon hơn. Đặc biệt từ tháng 8 tới tháng 11, khi Tây nguyên vào vụ, Thái Lan lại là cuối vụ nên giá cũng sẽ tốt hơn” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên sầu riêng Việt đang phải đối mặt với khó khăn là mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói còn ít, nên khó xuất hết được sản lượng sầu riêng thu hoạch. Thời gian tới nếu được cấp thêm kim ngạch sẽ nhiều hơn. Hiện mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng. Trước đây Thái Lan chiếm 90% thị phần nhưng nay Việt Nam đang tăng tốc rất nhanh. Dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc khoảng 1-1,2 tỷ USD, năm 2024 chúng ta có thể chia đôi thị trường Trung Quốc với đối thủ Thái Lan. Để làm được Việt Nam cần cải thiện giống và đảm bảo tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt hàng rau, gạo tăng mạnh; thủy sản, dệt may kỳ vọng bớt khó, là những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu 6 tháng cuối năm.
Một sản phẩm khác trong ngành nông nghiệp cũng mang về kết quả tích cực là gạo. 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 4,27 triệu tấn, đạt giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 539USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2022. Những tháng tới dự báo xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng tích cực do sản lượng tại nhiều quốc gia sản xuất ở châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như tăng giá gạo trên thị trường quốc tế. Khả năng cao xuất khẩu gạo năm nay mang về kim ngạch trên 4 tỷ USD với sản lượng khoảng 8 triệu tấn (tăng 1 triệu tấn so với 2022).
Dự báo, Việt Nam có thể sẽ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo trong năm nay, sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.
Để xuất khẩu rau quả, gạo thêm thuận lợi, Bộ NN&PTNN cho biết, đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ đang khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn./.
Dương Định (T/H)