Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại
Sáng ngày 1/8/2023 tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”.
Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2023, trong đó bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, ngày 1/8, tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công thương) phối hợp Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”.
Diễn đàn có sự tham dự của Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương; ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững; PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Lê Thị Thuỳ Vân - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính; ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Úc tại Việt Nam, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP – Việt Nam); đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong, ngoài nước, người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông.
Ông Lê Triệu Dũng Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc sự kiện: “Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một quá trình lâu dài, không thể đạt được kết quả thành công trong một thời gian ngắn. Đây cũng là quá trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội, trong đó, người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định, vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là động lực, là mục tiêu để các chủ thể khác hướng tới.
Thông qua nội dung chia sẻ từ các chuyên gia, các nhà quản lý, đặc biệt là thông tin thực tiễn từ các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bền vững, chúng ta sẽ có bức tranh tổng thể về hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững, về nhu cầu của người tiêu dùng, về sự tham gia và những khó khăn của doanh nghiệp; sự hỗ trợ, khuyến khích từ phía các cơ quan quản lý và các bài học, kinh nghiệm từ các nước, các tổ chức quốc tế.
Tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức xác định sẽ không thể giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây sẽ là quá trình lâu dài và cần nhiều hơn nữa các hoạt động trao đổi, chia sẻ để thường xuyên thu hút được sự quan tâm của xã hội, từ đó, kêu gọi cùng nhau thực hiện các thay đổi để hướng tới hiệu quả của sản xuất, tiêu dùng bền vững.”
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, trước thách thức ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết, để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon vững mạnh và cạnh tranh.
Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Đỗ Tiến Sỹ cho rằng các doanh nghiệp cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Mô hình này cần được áp dụng trong 5 giai đoạn: Cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; thứ hai là quá trình sản xuất hạn chế, không tạo ra rác thải; thứ ba là tiêu dùng có trách nhiệm; thứ tư là quản lý rác thải và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế và cuối cùng là khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng, vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.
Nhận thức được tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững đối với địa phương (sản xuất, phân phối, người tiêu dùng), ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm, thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững đang được coi là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Có thể thấy tiêu dùng bền vững chính là chìa khóa cho công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, có tầm quan trọng đặc biệt ảnh hưởng chính tới chuỗi sản xuất, phân phối, người tiêu dùng."
Thực hiện Chương trình Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 55% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 70% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
"Đặc biệt, tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh"- ông Liêm cho biết.
Chương trình Diễn đàn gồm 2 phiên thảo luận, tập trung vào thực trạng sản xuất, phân phối bền vững hướng tới tiêu dùng bền vững và chia sẻ, trao đổi các giải pháp, định hướng để thay đổi, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, những bài học quốc tế trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững; vai trò của việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng hay những đề xuất, kiến nghị về thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng cũng được các chuyên gia chia sẻ và trao đổi.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang trở thành xu hướng rõ nét tại các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” là sự kiện để thống nhất tiếng nói và hành động chung giữa nhà quản lý – nhà sản xuất – nhà phân phối - người tiêu dùng, góp phầp xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.
Còn khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.
Trung Anh