0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 04/10/2024 19:31 (GMT+7)

Xây dựng ngành chè Việt Nam phát triển bền vững

Theo dõi KT&TD trên

Chè là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trên cả nước. Các sản phẩm chè Việt Nam không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh phát triển diện tích trồng và từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè, xây dựng ngành chè phát triển bền vững.

Điểm mạnh của ngành chè Việt Nam

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 7 trên thế giới. Ngành chè nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng, sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Chè nước ta được xuất đến trên 70 quốc gia vùng lãnh thổ nhưng giá chè xuất khẩu bình quân chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn độ và Sri Lanka. Mặc dù với sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được cuả mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường Quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.

Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển của cây chè, Việt Nam có nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như: Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt, Việt Nam còn sở hữu gần 20 ngàn ha chè Shan rừng. Nhiều vùng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như: Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, Tà Xùa (Sơn La)...
Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển của cây chè, Việt Nam có nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như: Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt, Việt Nam còn sở hữu gần 20 ngàn ha chè Shan rừng. Nhiều vùng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như: Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, Tà Xùa (Sơn La)...

Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Đặc biệt, chè xanh Việt Nam được rất nhiều khách hàng đánh giá cao như: Chè xanh Mộc Châu, Thái Nguyên, Suối Giàng, Hà Giang, Ôlong Lâm Đồng, các sản phẩm chè ướp hương sen, nhài... Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là các sản phẩm nổi tiếng này khi xuất khẩu ra nước ngoài đến tay người tiêu dùng phần lớn lại không mang thương hiệu chè Việt Nam. Nguyên nhân chính là do khâu quảng bá của chúng ta rất hạn chế, thông tin sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.

Thực tại ngành Chè Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng bền vững đã có rất nhiều các đơn vị áp dụng sản xuất theo các chứng nhận quốc tế và hầu hết các đơn vị sản xuất đã nhận thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như khó khăn thách thức về các rào cản kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu áp dụng. Mặt khác tại thị trường nội tiêu sản lượng tiêu dùng sản phẩm ngày càng tăng, người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt uy tín và có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, Hiệp hội Chè Việt Nam, cùng với các tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Việt Nam cũng như cho từng địa phương. Những nỗ lực này bao gồm việc xây dựng nhãn hiệu chè Việt Nam được đăng ký tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhãn hiệu tập thể chè Shan tuyết vùng cao (Snowshan) được đăng ký ở 17 quốc gia; sản xuất các phim giới thiệu về các vùng chè Việt Nam; và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Tại các tỉnh thành trên cả nước, một số chỉ dẫn địa lý nổi bật bao gồm: Chè Mộc Châu - Sơn La, chè Tân Cương - Thái Nguyên, chè Shan Hà Giang, cùng với nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên và chè Nghệ An.

Phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè

Tỉnh Hà Giang có gần 21 nghìn ha chè, trong đó hơn 70% diện tích là chè Shan tuyết cổ thụ và chè Shan núi cao. Xác định đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2016 đến nay, Hà Giang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng, trong đó, tập trung cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn ha (diện tích chè VietGAP là gần 5.000 ha; diện tích chè theo hướng hữu cơ là 7.000 ha). Tỉnh cũng đã xây dựng, được công nhận chỉ dẫn địa lý "Chè Shan tuyết Hà Giang" có gần 17 nghìn ha chè trên địa bàn.

Từ năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành "Ðề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020", tập trung đầu tư, hỗ trợ nhân dân tăng diện tích, thay thế các nương chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt hơn; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói, cải thiện mẫu mã sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Ðến nay, Thái Nguyên có 17.824 ha chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Hay xã vùng sâu Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) có hơn 300 hộ trồng chè Shan tuyết, hộ ít thì có 0,5 ha, hộ nhiều có tới 3-4 ha chè đang cho thu hoạch. Nhiều hộ thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi sang trồng chè Shan tuyết, làm chè hữu cơ xuất khẩu sang các nước Pháp, Ðức, Hà Lan… Mới đây, có thêm sản phẩm chè Hồng Ðào để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với giá cao hơn, mở ra hướng đi mới cho người trồng chè nơi đây.

Tại Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm sản xuất các sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, làm tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất, thị trường mở rộng và ổn định. Công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn lớn trên thế giới. Sản lượng sản xuất của công ty đạt 2.050 đến 2.300 tấn/năm, được xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Các công ty, đơn vị, hợp tác xã và nhãn hiệu sản phẩm đã xây dựng được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước như: Hợp tác xã chè Tân Hương, Hợp tác xã chè Tuyết Hương, Hợp tác xã chè La Bằng, Hợp tác xã chè Thịnh An, cơ sở chè Tiến Yên... tỉnh Thái Nguyên. Nhãn hiệu chè Cozy, Chè Shannam. Các công ty đã xây dựng được thương hiệu và uy tín với khách hàng quốc tế như: Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, Công ty TNHH chè Á Châu, Công ty cổ phần chè Than Uyên, Tổng công ty Chè Việt Nam, Công ty chè Sông Lô...

Theo đánh giá, số lượng các doanh nghiệp và Hợp tác xã trên so với toàn ngành thì còn khá khiêm tốn. Tất cả các đơn vị trên đều có một điểm chung đó là tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm, cơ sở chế biến được gắn với vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã đều quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, và sản xuất theo chứng nhận.

Bên cạnh những địa phương,đơn vị đã và đang thực hiện tốt việc xây dựng uy tín cho người tiêu dùng, khách hàng trong và ngoài nước, còn một số các doanh nghiệp và hợp tác xã chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất vẫn chạy theo số lượng, giá rẻ, không liên kết sản xuất hoặc liên kết hình thức và thiếu kiểm soát về an toàn thực phẩm.

Cạnh tranh nội bộ trong ngành chè diễn ra từ nguyên liệu đầu vào đến giá bán sản phẩm. Nguyên nhân chính là do nhà máy chế biến không gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu và chưa chú trọng đến chuỗi sản xuất sản phẩm. Số lượng và công suất chế biến của nhiều cơ sở vượt xa khả năng đáp ứng nguyên liệu. Hiện nay, hơn 80% diện tích chè trên cả nước phân tán trong các hộ nông dân, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác còn thấp, chưa phát huy được tiềm năng về đất đai, khí hậu và lao động. Đầu tư cho ngành chè vẫn còn hạn chế, dẫn đến chất lượng nguyên liệu và giá trị sản phẩm thấp, đồng thời chưa có sự kiểm soát hiệu quả về an toàn thực phẩm.

Các địa phương chưa có quy hoạch ổn định về diện tích đất trồng chè. Đầu tư sản xuất thiếu quy hoạch. Liên kết sản xuất còn yếu. Các cơ sở chế biến chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu.

Giải pháp phát triển bền vững ngành chè

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam

Để xây dựng chè Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường cần nhiều yếu tố. Trong đó, cần liên kết sản xuất là chìa khóa để xây dựng ngành chè Việt Nam phát triển bền vững. Liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm là chìa khóa để xây dựng thương hiệu. Kinh nghiệm ngành chè thế giới đã chứng minh là các cơ sở chế biến phải gắn kết chặt chẽ với một vùng nguyên liệu cụ thể trong một tổ chức, được điều phối tập trung thống nhất tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng liên kết nông - công nghiệp thì sẽ phát triển bền vững, ví dụ như Kenya.

Hiện nay, trong ngành chè Việt Nam có một số ít mô hình liên kết nông - công nghiệp, đã và đang chứng minh là mô hình phát triển hiệu quả và tương đối bền vững. Như Công ty cổ phần chè Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Công ty TNHH một thành viên chè Biển Hồ (tỉnh Gia Lai), Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (tỉnh Tuyên Quang), Công ty cổ phần chè Than Uyên (tỉnh Lai Châu), Công ty cổ phần chè Sông Lô (tỉnh Tuyên Quang), Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty cổ phần, các hợp tác xã sản xuất chè an toàn...

Kinh nghiệm của các địa phương có chè, hoặc có doanh nghiệp chè phát triển là do chính quyền địa phương đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp chè duy trì được liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và chế biến; phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Doanh nghiệp và người trồng chè phải cùng có trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, cùng xây dựng thương hiệu và cùng được hưởng lợi từ sản phẩm đem lại. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân, người dân có trách nhiệm với doanh nghiệp.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng lợi thế về trồng chè và có nhiều vùng chè đặc sản chất lượng tốt đang được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Nhưng thực tế hiện nay, ngành chè Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trên con đường phát triển. Để ngành chè vượt qua được những khó khăn và thách thức hiện tại, tận dụng được tối đa các lợi ích từ các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết thì sản phẩm phải an toàn, muốn vậy phải tổ chức sản xuất theo chuỗi. Mỗi cá nhân, tổ chức trong chuỗi sản xuất sản phẩm chè phải gắn bó mật thiết trong toàn bộ chuỗi sản xuất theo cấu trúc quản lý thích hợp để kiểm soát được chất lượng và cùng nhau tạo ra giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận cho trong từng mắt xích của chuỗi.

Có thể thấy, thực hiện tổ chức sản xuất liên kết công - nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị và lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần triển khai tổ chức sản xuất theo chứng nhận. Các nước nhập khẩu chè ngày càng yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm do đó các đơn vị sản xuất chè Việt Nam phải tổ chức sản xuất theo chứng nhận. Xây dựng mã số vùng trồng theo thị trường. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng tăng phân bón hữu cơ, giảm phân bón vô cơ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và theo quy định của thị trường.

Không những thế, các công ty, Hợp tác xã cần xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm và cho nhãn hàng như: Cozy, Shannam, Fìnhò, Vinanea, Hảo Đạt, Tuyết Hương... Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Đồng thời, đầu tư các công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng hình ảnh và uy tín của công ty với bạn hàng và người tiêu dùng. Tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Tham gia các cuộc thi sản phẩm chè thế giới và khu vực. Xây dựng các video về vùng chè, về sản xuất để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về quy mô sản xuất và quy trình sản xuất an toàn của doanh nghiệp, hợp tác xã...

Từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế. Khẳng định uy tín và chất lượng của chè “made in Việt Nam” với nhiều sản phẩm chè đa dạng, phong phú với các dòng sản phẩm chính là chè xanh, chè đen, các sản phẩm từ chè Shan rừng, chè ướp hương và chè Ôlong...

Trong tương lai chè Việt sẽ từng bước để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, thay vì xuất khẩu chè thô, giá rẻ thì chúng ta hướng đến xây dựng thương hiệu chất lượng và nâng cao giá bán cho sản phẩm chè. Việc này không thể làm trong ngày một ngày hai mà chúng ta đã đang và sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đó.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng ngành chè Việt Nam phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

F&B Việt Nam: Vượt sóng gió, giữ vững đà tăng trưởng
Nửa đầu năm 2024, ngành F&B Việt Nam chứng kiến một bức tranh tương phản đầy thú vị: doanh thu tăng trưởng ấn tượng đạt 403,9 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 70% doanh thu cả năm 2023, trong khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa.
Xuất khẩu chè dự kiến đạt 250 triệu USD trong năm 2024
8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 93 nghìn tấn chè, thu về khoảng 4.000 tỷ đồng, vượt kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm ngoái. Với sản lượng chè hiện nay, toàn ngành nhắm tới mục tiêu thu về 250 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Tin mới