Xu hướng đầu tư mới cho ngành chè
Du lịch sinh thái vùng chè đang trở thành loại hình du lịch mà những người trẻ cũng muốn khám phá và trải nghiệm. Dựa vào địa hình tự nhiên với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, cùng với đó là văn hóa vùng bản địa càng tạo cho khách du lịch những cái nhìn mới mẻ, thú vị.
Tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích ổn định ở mức 130 nghìn ha, năng suất bình quân đạt mức khoảng 8,0 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt khoảng 192 nghìn tấn.
Diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn phải kể đến như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).
Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, các hộ trồng chè trên địa bàn cả nước đã bắt đầu tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm. Việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm hướng đến phát triển ngành chè gắn với du lịch bền vững, hiện nay các doanh nghiệp chè trên cả nước đang chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ sạch, xây dựng vùng chè an toàn, bên cạnh đó tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các ngày hội, lễ hội để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường cũng như thu hút du khách. Nhiều tỉnh đã áp dụng được du lịch sinh thái gắn với vùng chè đã được áp dụng ở nhiều tỉnh và mang đến kết quả ngoài mong đợi.
khách du lịch đến những đồi chè để cảm nhận được sự thanh bình, tươi mát, hít thở bầu không khí trong lành của núi rừng, mua được những sản phẩm chất lượng tốt tại chính nơi sản xuất. Vì thế, nếu không đáp ứng được các khâu khác của sản xuất chè, nhất là sản xuất hướng hữu cơ, tạo môi trường sinh thái trong lành thì dù có thu hút khách du lịch cũng không thể được. Vì thế, việc thay đổi cách thức chăm sóc đồi chè từ thói quen truyền thống sang trồng theo hướng nâng cao chất lượng, mà hiện nay là trồng theo các tiêu chuẩn như VietGAP, hướng hữu cơ… là việc cần phải làm trước tiên.
Nắm bắt xu thế phát triển chung của ngành, HTX Hảo Đạt, xã Tân Cương, tỉnh Thaia Nguyên cũng đã chuyển mình để thu hút khách du lịch. Bà Đào Thanh Hảo, giám đốc HTX cho biết: Làm du lịch trải nghiệm nghĩ dễ mà lại khó vì nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ chất lượng sản phẩm, con người, cơ sở vật chất, truyền thông... Trong đó, việc giữ được chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt. Xuất phát từ suy nghĩ đó, HTX Hảo Đạt đã xây dựng được tổng diện tích chè 10 ha và 25 ha liên kết đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Khu chế biến, đóng gói bảo quản, không gian thưởng trà cũng được cải tạo lại khang trang để thuận tiện cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
GS. Nguyễn Quốc Vọng nhận định: Xu hướng phát triển mới của ngành chè những năm tới là phát triển du lịch sinh thái. Hình thức khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương và nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Dựa vào địa hình tự nhiên với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, cùng với đó là văn hóa vùng bản địa càng tạo cho khách du lịch những cái nhìn mới mẻ, thú vị, mang đến những năng phát triển kinh tế cho bà con bản địa các vùng trà trên cả nước.
Hương Trà