Tiêu dùng xanh doanh nghiệp và người tiêu dùng phải cùng hành động
Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy tiêu dùng xanh theo chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững giai đoan 2021–2030 của Chính phủ đòi hỏi doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải chung tay hành động vì một môi trường xanh bền vững.
Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, việc thúc đẩy tiêu dùng xanh đòi hỏi việc “xanh” từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, điều này đòi hỏi doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải cùng hành động vì một môi trường phát triển bền vững.
Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch đều có mức tăng trưởng khoảng 4% mỗi năm.
Thực tế cho thấy, chuỗi cửa hàng Annam Gourmet thay hoàn toàn túi nylon bằng túi giấy từ cách đây 5 năm, thu gom vỏ chai nhựa, chai thủy tinh qua hệ thống xử lý trực tiếp đặt ngay tại siêu thị.
Theo quản lý chuỗi cửa hàng Annam Gourmet cho biết, "Chúng tôi có những chiến lược rất rõ ràng, kế hoạch rất cụ thể trong việc triển khai chương trình tiêu dùng xanh đối với khách hàng. Chúng tôi cần sự chủ động của khách hàng hơn trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng hàng ngày".
Ngoài ra, chuyển đổi xanh trong sản xuất đòi hỏi phải đầu tư nên giá thành sản phẩm xanh khi đưa ra thị trường hiện cao hơn, đòi hỏi người tiêu dùng phải chấp nhận thì doanh nghiệp mới có thể xanh hóa nhanh và hiệu quả được.
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh chia sẻ, công ty đã có 22 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản. Đến nay, thị trường xuất khẩu rất thuận lợi nhưng thị trường nội địa thì vẫn đang vật lộn, phải làm sao truyền thông để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phát triển bền vững, an toàn. Vì nếu chỉ cạnh tranh về giá thì doanh nghiệp đầu tư sâu cho phát triển bền vững không có cơ hội. Trên thế giới, 50% người tiêu dùng đã quan tâm đến phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, nhà sản xuất, các yếu tố đầu tư chế biến sâu chứ không đồng hóa với sản phẩm rẻ. Người tiêu dùng Việt Nam cũng phải từng bước hướng đến điều này.
Những yêu cầu về sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn thực ra đã có từ lâu và đến giai đoạn này mới bắt buộc thực hiện. Nhiều doanh nghiệp nhờ trước đây ý thức rõ vấn đề này, xây dựng chiến lược thực hiện và đầu tư bài bản cho chuyển đồi xanh mà đang vượt qua được những khó khăn chung của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Việc đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cần nguồn vốn khá lớn nhưng bù lại đã tạo dựng được uy tín với khách hàng.
Đơn cử như, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, Khu Công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM đã chủ động chuyển đổi xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn gần 20 năm nay. Hiện hệ thống phục vụ xanh hóa sản xuất tại công ty hoạt động hiệu quả, tiết kiệm trong quá trình sản xuất. Công ty không chỉ có nhiều đơn hàng trong nước mà còn có được đơn hàng ổn định từ các tập đoàn lớn như: Pepsico (đa quốc gia), Ojitex (Nhật Bản), Box-Pax (Malaysia) và xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ…
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giấy Xuân Mai cho biết, với quy mô 2 nhà máy, công ty chuyên sản xuất giấy Kraft và giấy Tissue, đã có khoảng 80%-90% công đoạn sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh hóa. Công ty đã đầu tư khoảng 5 triệu USD cho trạm xử lý nước thải và gần 10 triệu USD cho các khâu khác.
Hiện nay, trong điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống nhiều gia đình bị ảnh hưởng, việc tiêu thụ sản phẩm xanh với giá thành cao hơn lại càng khó. Người tiêu dùng nhìn chung đang có sự phân hóa thành hai nhóm: nhóm có điều kiện, thu nhập cao, tìm kiếm sản phẩm có lợi cho sức khỏe và nhóm có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng, tìm cách thắt chặt chi tiêu.
Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam - doanh nghiệp chuyên về nghiên cứu thị trường cho rằng, doanh nghiệp phải vừa thỏa mãn nhu cầu các nhóm người dùng vừa phải cho ra sản phẩm xanh.
Theo bà Nga: "Cái mà người ta cần đó là sự rõ ràng về thông tin, để tin sản phẩm mua là thật sự xanh. Còn khi không nhận được những thông tin rõ ràng, minh bạch, chính xác thì họ sẽ không sẵn sàng trả tiền. Bởi dù họ không bị ảnh hưởng về thu nhập, nhưng khi môi trường xung quanh có nhiều người bị ảnh hưởng, họ cũng có sự lo lắng nhất định".
Ngoài các yếu tố giá cả, chất lượng, dễ mua hay không thì xuất hiện yếu tố mới chi phối nhiều người tiêu dùng trẻ là sản phẩm đó có tốt cho môi trường hay không, có chú ý tới sức khỏa của người tiêu dùng hay không. Càng ngày nhà sản xuất càng phải biết rõ điều này để đáp ứng. Đồng thời phải truyền thông để người tiêu dùng hiểu được các tiêu chuẩn xanh cân bằng với giá thành sản phẩm, ủng hộ doanh nghiệp đưa sản phẩm xanh ra tiêu dùng.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã tăng trưởng xanh thì sản phẩm xanh phải bắt đầu từ công nghệ, khoa học, nghiên cứu sáng tạo. Để tạo ra những sản phẩm như vậy là phải có hàm lượng chất xám cao, giá thành cao. Giá thành cao mà xã hội không dùng thì sản phẩm đó không phát triển được, doanh nghiệp không sản xuất được… trở thành một vòng lẩn quẩn.
Do đó, để người dân tin, để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển xanh thì tiêu dùng của nhà nước phải tiên phong đi đầu, dẫn đắt, mở đường, định hướng cho tiêu dùng xã hội. Chính quyền phải lựa chọn, chấp nhận tăng chi phí tiêu dùng để tạo ra thị trường sản phẩm xanh, kích thích nền kinh tế tăng trưởng xanh.
Cũng theo ông Võ Văn Hoàn: "Đối với người dân, tiêu dùng có trách nhiệm là điều rất quan trọng. Trước hết là tiêu dùng đủ, tiết kiệm, biết lựa chọn. Chúng ta phải biết tiêu dùng xanh, chịu tốn kém một chút để lựa chọn những sản phẩm đạt chuẩn, có chất lượng chứ đừng dùng những sản phẩm không tốt cho môi trường. Chúng ta tham gia tích cực thực hiện tái tạo môi trường như trồng cây, vệ sinh môi trường, xử lý rác…".
Trước thực tế này, TP.HCM xác định phải vừa nâng cao nhận thức của người dân về tiêu dùng có trách nhiệm, tiêu dùng xanh vừa tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất xanh bằng cách trợ vốn, kích cầu, lấy tiêu dùng nhà nước để dẫn dắt tiêu dùng xã hội.
Vào tháng 6 vừa qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức phát động Chiến dịch Tiêu dùng Xanh lần thứ 14 năm 2023, nhằm góp phần thực hiện kế hoạch triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030”.
Trong chuỗi hoạt động Chiến dịch Tiêu dùng xanh lần thứ 14 năm 2023, Ban tổ chức chiến dịch sẽ triển khai nhiều hoạt động, bao gồm: xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu doanh nghiệp gắn với hoạt động trách nhiệm xã hội về môi trường; vận động đông đảo các tình nguyện viên tham gia với vai trò “đại sứ thông tin” để hỗ trợ cộng đồng nhận diện rõ sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hệ thống phân phối của Sagon Co.op sẽ xây dựng những chính sách khuyến mãi, chính sách bán hàng với giá ưu đãi, kết hợp bố trí các khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Phạm Thạch t/h