Hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường để đón Tết vui
Mỗi độ xuân về, không khí hân hoan của ngày Tết lại tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Bên cạnh những bữa ăn sum vầy, những lời chúc tốt đẹp, nhu cầu tiêu thụ các loại bánh kẹo, đồ uống ngọt cũng tăng vọt.
Trong đó, đồ uống có đường, với hương vị hấp dẫn, trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày lễ hội. Tuy nhiên, đằng sau vị ngọt ngào ấy lại ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe, đặc biệt khi lượng tiêu thụ vượt quá mức cho phép.
Một chai nước ngọt tưởng chừng vô hại có thể chứa đến 40-50 gram đường, vượt xa ngưỡng khuyến nghị 25 gram đường/ngày cho một người trưởng thành. Việc tiêu thụ quá nhiều đường trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong dịp Tết, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể mà nhiều người thường chủ quan bỏ qua.
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường kéo theo một loạt các vấn đề sức khỏe. Lượng đường dồi dào trong các loại đồ uống này cung cấp một lượng năng lượng lớn cho cơ thể. Khi lượng năng lượng này không được tiêu thụ hết, chúng sẽ chuyển hóa thành mỡ, gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.
Hơn nữa, đường trong đồ uống được hấp thụ trực tiếp vào máu một cách nhanh chóng, làm tăng đột ngột lượng đường huyết. Cơ thể phản ứng bằng cách tăng tiết insulin để chuyển hóa lượng đường này vào tế bào. Tuy nhiên, việc lặp lại quá trình này thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, tiền đề của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và hàng loạt các bệnh lý khác như bệnh tim mạch, tăng huyết áp.
Một trong những lý do khiến đồ uống có đường dễ gây thừa cân, béo phì là do cách cơ thể xử lý đường ở dạng lỏng khác với đường ở dạng rắn. Đường lỏng được hấp thụ nhanh chóng vào máu mà không trải qua quá trình chuyển hóa phức tạp như đường từ thức ăn đặc. Điều này khiến cơ thể không kịp nhận diện lượng calo vừa nạp vào và không gửi tín hiệu no đến não bộ một cách hiệu quả. Do đó, chúng ta có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết, dẫn đến dư thừa năng lượng và tích tụ mỡ.
Đường fructose, một loại đường phổ biến được sử dụng trong đồ uống có đường, cũng góp phần vào những tác động tiêu cực này. Fructose làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride (chất béo trung tính) và kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với đường glucose. Tuy nhiên, nó lại tạo ra ít kích thích insulin hơn, cản trở quá trình chuyển hóa glucose và tăng tích tụ mỡ ở gan và các bộ phận khác trong cơ thể, làm gia tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và thừa cân, béo phì.
Không chỉ dừng lại ở đó, đồ uống có đường còn làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác. Đường lỏng khi được dung nạp vào cơ thể sẽ làm thay đổi quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa, dẫn đến huyết áp cao và viêm nhiễm. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan.
Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường và nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Những người uống từ 2 lon đồ uống có đường mỗi ngày trở lên có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao gấp đôi so với những người ít hoặc không sử dụng. Việc tiêu thụ quá nhiều đường còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe xương khớp.
Thực tế đáng báo động là mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua. Theo số liệu từ Euromonitor 2023, tổng lượng tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng gấp 4 lần từ năm 2009 đến năm 2023. Mức tiêu thụ bình quân đầu người cũng tăng tương ứng, cho thấy xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường ngày càng phổ biến.
Thạc sĩ Đinh Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 gram đường tự do mỗi ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa và cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về các biện pháp can thiệp để hạn chế tình trạng tiêu thụ quá mức này.
Một trong những giải pháp được WHO khuyến cáo là áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Việc tăng giá thành sản phẩm thông qua thuế được kỳ vọng sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, từ đó hạn chế những tác động tiêu cực đến sức khỏe. Chính sách này mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho các bệnh liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều đường.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách thuế cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường và giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan. Nghiên cứu tại Anh cho thấy việc áp thuế đồ uống có đường có thể giúp phòng tránh hàng ngàn trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và giảm đáng kể số ca sâu răng mỗi năm. Tại Việt Nam, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và tiết kiệm đáng kể chi phí y tế.
WHO cũng khuyến nghị Việt Nam nên xem xét lộ trình tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt lên 40% giá xuất xưởng vào năm 2030 để giảm khả năng chi trả cho các sản phẩm này và đảo ngược xu hướng gia tăng tiêu thụ đồ uống có đường. Mức thuế thấp hơn sẽ có tác động không đáng kể đến giá bán lẻ và do đó hiệu quả giảm tiêu thụ cũng rất hạn chế.
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần, việc nâng cao nhận thức về tác hại của việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường là vô cùng quan trọng. Mỗi người cần tự ý thức điều chỉnh chế độ ăn uống, lựa chọn những thức uống lành mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, đón một mùa xuân trọn vẹn và khỏe mạnh.
Bảo AN