Bộ Tài chính đề xuất quy định mới trong Luật Thuế thu nhập cá nhân
Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng mở rộng phạm vi thu nhập chịu thuế.
Điểm đáng chú ý là việc bổ sung nhóm “thu nhập khác” vào diện chịu thuế, nhằm bao quát các khoản thu nhập phát sinh mới trong thực tế, có tính đặc thù nhưng chưa được liệt kê trong quy định hiện hành.
Theo tờ trình dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho rằng ngoài 10 loại thu nhập đang chịu thuế hiện nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đang xuất hiện thêm nhiều loại hình thu nhập có bản chất tương tự các khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai). Các khoản thu nhập này chủ yếu phát sinh từ việc chuyển nhượng tài sản hoặc quyền tài sản như: chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”, chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá (kèm theo xe), chuyển nhượng tài sản số (tài sản ảo, tài sản mã hóa), chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh và các loại tài sản khác do Chính phủ quy định.

Hiện theo quy định, biển số xe ô tô trúng đấu giá chỉ được phép chuyển nhượng khi gắn liền với xe đã đăng ký. Bộ Tài chính đề xuất bổ sung khoản thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng này vào nhóm chịu thuế, do có bản chất là quyền tài sản có giá trị cao, có thể phát sinh lợi nhuận khi chuyển nhượng.
Đối với thu nhập từ các loại hình tài sản mới nói trên, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 5% trên phần thu nhập vượt 10 triệu đồng mỗi lần phát sinh, tương tự thu nhập từ bản quyền hoặc nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, riêng với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số có tần suất giao dịch thường xuyên trên các sàn giao dịch minh bạch, công khai về giá, mức thuế đề xuất là 0,1% tính trên giá chuyển nhượng từng lần, tương đồng với thuế chuyển nhượng chứng khoán hiện hành.
Cơ quan soạn thảo lý giải rằng quy định bổ sung nhóm “thu nhập khác” là cần thiết để theo kịp thực tiễn, đồng thời tạo hành lang pháp lý xử lý các loại thu nhập chưa có tên cụ thể trong luật hiện hành. Đồng thời, việc giao Chính phủ quy định chi tiết đối với các loại tài sản mới sẽ bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành, tránh tình trạng pháp luật bị tụt hậu so với thực tế.
So sánh kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho biết nhiều quốc gia cũng có quy định khái quát nhằm bao trùm các khoản thu nhập đặc thù, không thường xuyên. Tại Thái Lan, thu nhập chịu thuế bao gồm cả tiền và hiện vật, kể cả các khoản lợi ích do người sử dụng lao động hoặc bên thứ ba cung cấp như nhà miễn phí hoặc khoản thuế được trả thay. Hệ thống thuế tại đây phân loại thu nhập thành 8 nhóm, bao gồm thu nhập từ dịch vụ, bản quyền, đầu tư, cho thuê tài sản, kinh doanh tự do, xây dựng, nông nghiệp,...
Ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế được mở rộng hơn nữa, bao gồm các khoản thưởng từ xổ số, cá cược, giải thưởng hiện vật, thu nhập từ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác thông tin cá nhân, thương hiệu hoặc tài nguyên thiên nhiên.
Hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam quy định 10 loại thu nhập chịu thuế, bao gồm: Thu nhập từ kinh doanh; tiền lương, tiền công; đầu tư vốn; chuyển nhượng vốn; chuyển nhượng bất động sản; trúng thưởng; bản quyền; nhượng quyền thương mại; thừa kế; quà tặng. Tuy nhiên, các hình thức giao dịch tài sản, đầu tư tài chính và công nghệ số ngày càng đa dạng đã làm phát sinh những loại thu nhập chưa được quy định cụ thể.
Việc bổ sung nhóm “thu nhập khác” vào luật là bước điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo bao quát đầy đủ các loại thu nhập phát sinh trong nền kinh tế số và thị trường tài sản phi truyền thống. Đồng thời, điều này giúp giảm thiểu tình trạng thất thu thuế đối với các hoạt động giao dịch đặc thù có giá trị cao.
Dự thảo luật đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và người dân trước khi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định.
T.An