Ngành quản lý quỹ: Cần cải tổ để phát huy vai trò kênh dẫn vốn dài hạn
Dù được đánh giá giàu tiềm năng, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng, khi quy mô chỉ chiếm khoảng 6% GDP.
Trong khi đó, thị trường tài chính vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, còn các kênh huy động vốn dài hạn khác, đặc biệt là ngành quỹ, vẫn đang loay hoay khẳng định vị thế.
Một trong những rào cản lớn chính là nhận thức và thói quen đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Thực tế, phần lớn nhà đầu tư vẫn ra quyết định dựa trên tin đồn và tâm lý đám đông, thay vì phân tích dữ liệu và tầm nhìn dài hạn. Khi thị trường giảm, nhiều người lo sợ và không dám mua, trong khi khi thị trường tăng lại sẵn sàng “đu đỉnh” vì kỳ vọng tăng tiếp. Điều này khiến thị trường thường xuyên biến động khó lường, và nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ rơi vào bẫy thua lỗ.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các quỹ đầu tư có chiến lược rõ ràng, tập trung vào giá trị doanh nghiệp thay vì chạy theo biến động giá cổ phiếu ngắn hạn. Họ tìm kiếm và nắm giữ các công ty có đội ngũ lãnh đạo chất lượng, tiềm năng tăng trưởng dài hạn và định giá hợp lý, thay vì bị chi phối bởi tin tức thất thiệt hay biến động tức thời.

Tuy nhiên, ngành quỹ ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến rộng rãi với nhà đầu tư cá nhân. Một phần nguyên nhân là hệ thống phân phối còn yếu và thiếu hiệu quả. Việc tiếp cận chứng chỉ quỹ còn khó khăn, đặc biệt khi kênh phân phối chủ lực là ngân hàng chưa được khai thông về mặt pháp lý. Trong khi đó, công ty chứng khoán vẫn ưu tiên môi giới cổ phiếu, còn các nền tảng công nghệ tài chính mới đang ở giai đoạn đầu phát triển.
Để thị trường phát triển mạnh, cần một cuộc cải tổ toàn diện từ cả phía cung (sản phẩm, công ty quản lý quỹ) lẫn phía cầu (nhà đầu tư, hệ thống phân phối). Cần mở rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm quỹ, đồng thời xây dựng hệ thống phân phối đa kênh, hiệu quả và dễ tiếp cận hơn.
Bên cạnh đó, cần tạo ra một “sân chơi” cạnh tranh, minh bạch và công bằng để các công ty quản lý quỹ phát triển lành mạnh. Dù có hơn 40 công ty hoạt động trong ngành, chỉ số ít thực sự có sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời, việc tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư quốc tế còn gặp nhiều trở ngại do khâu cấp phép và hành lang pháp lý chưa linh hoạt.
Một vấn đề khác nằm ở nguồn hàng hóa đầu tư. Các quỹ dù có nguồn lực nhưng vẫn gặp khó khi tìm doanh nghiệp đủ tốt để đầu tư. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kênh yêu thích của nhiều quỹ đang bị kiểm soát chặt, trong khi thủ tục cấp phép phát hành kéo dài khiến dòng vốn bị nghẽn.
Trước những thách thức đó, cơ quan quản lý đang hoàn thiện Đề án tái cấu trúc ngành quản lý quỹ với các nhóm giải pháp: Hoàn thiện pháp lý, thiết kế sản phẩm mới, nâng cao năng lực tổ chức quản lý, đa dạng hóa kênh phân phối và ưu đãi thuế hợp lý. Đồng thời, việc tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư cũng được chú trọng nhằm xây dựng nền tảng đầu tư dài hạn bền vững.
Ngành quản lý quỹ còn có vai trò then chốt trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu được phát triển đúng hướng, các quỹ đầu tư sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài hiệu quả hơn, đặc biệt là từ các nhà đầu tư tổ chức, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển dài hạn của thị trường vốn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa. Để đạt mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025, như Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư, trong đó, ngành quản lý quỹ đóng vai trò thiết yếu.
Sự phát triển của ngành quản lý quỹ không chỉ góp phần giảm áp lực lên hệ thống tín dụng ngân hàng, mà còn là bước tiến quan trọng để thị trường vốn Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn bền vững cho nền kinh tế.
P.T