0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 22/07/2025 19:49 (GMT+7)

Dân tăng dự trữ hàng hoá chống bão Wipha, có siêu thị sức mua đột biến tới 200%

Theo dõi KT&TD trên

Trước bão số 3 (Wipha), sức mua hàng thiết yếu ở Hà Nội tăng mạnh, rau xanh hết sớm, giá nhích nhẹ, siêu thị tăng dự trữ và cam kết bình ổn.

Rau xanh hết sớm, giá tăng nhẹ

Theo khảo sát của PV Báo Xây dựng, nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội như Thành Công, Nam Đồng, Kim Liên, Nghĩa Tân… đều có sức mua tăng mạnh trong ngày 22/7. Người dân hối hả chọn rau, thịt, cá, mì gói, đồ khô… để dự trữ cho vài ngày mưa bão.

Chị Lài, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho hay, khoảng hơn 9h sáng nay, nhiều sạp rau đã hết hàng. Rau muống, rau ngót, mồng tơi, cải xanh đều hết veo chỉ sau vài tiếng. Cà chua, đỗ, khoai cũng vơi nhanh dù tiểu thương đã dự trữ tăng gấp 2-3 lần ngày thường.

Dân tăng dự trữ hàng hoá chống bão Wipha, có siêu thị sức mua đột biến tới 200%- Ảnh 1.
Rau muống, rau ngót, mồng tơi, cải xanh đều hết veo chỉ sau vài tiếng. Ảnh: Hồng Hạnh.

Giá rau xanh tăng nhẹ từ 2.000-5.000 đồng/bó hoặc/kg so với trước. Rau muống, rau ngót bán 12.000-15.000 đồng/bó; cà chua, khoai tây tăng khoảng 2.000-5.000 đồng/kg.

Bà Lê Thị Tâm, tiểu thương hơn 20 năm bán rau tại chợ Thành Công cũng chia sẻ: "Khách hôm nay đông gấp đôi ngày thường, rau hết sớm. Mưa bão thế này, nguồn hàng khó lấy hơn nên giá nhích nhẹ mà vẫn bán vèo vèo. Còn nếu mưa lớn, rau hỏng nhiều, ngày mai giá có thể còn lên nữa".

Thịt lợn, thịt bò, gà vịt giữ giá ổn định, quanh mức 140.000–300.000 đồng/kg, tùy loại. Nhiều quầy thịt vẫn đông khách nhưng không lo thiếu hàng, vì thịt có dự trữ lạnh sẵn.

Ngoài ra, các mặt hàng mì gói, bún khô, gạo, đồ hộp… cũng tiêu thụ nhanh hơn hẳn ngày thường. Một số cửa hàng tạp hóa cho biết đã chuẩn bị sẵn thêm gấp đôi lượng mì và gạo trong kho từ tối hôm trước.

Dân tăng dự trữ hàng hoá chống bão Wipha, có siêu thị sức mua đột biến tới 200%- Ảnh 2.
Giá rau xanh tăng nhẹ từ 2.000-5.000 đồng/bó hoặc/kg so với trước. Ảnh: Hồng Hạnh.

Sức mua tăng đột biến, có siêu thị lên tới 200%

Không chỉ tại chợ, mà hệ thống siêu thị cũng ghi nhận sức "nóng" khi dân tăng dự trữ hàng hóa chống bão Wipha.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc WinMart Thăng Long cho biết, sức mua tại nhiều điểm bán của WinMart/WinMart+ đã tăng đột biến, có siêu thị lên tới 200% so với thông thường.

"Ngay khi có thông tin bão số 3, chúng tôi đã chủ động triển khai kế hoạch dự phòng, phối hợp với Sở Công thương và nhà cung cấp để đảm bảo hàng hóa đầy đủ. Với rau củ, chúng tôi điều phối nguồn từ Lâm Đồng ra miền Bắc, tăng dự trữ rau, thịt hơn 50% so với ngày thường, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung", ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+ đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa từ sớm để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giá cả bình ổn.

Hệ thống này cũng duy trì các chương trình ưu đãi để hỗ trợ khách hàng. Như là, ưu đãi 20% dành cho các sản phẩm thịt sạch MEATDeli và rau sạch WinEco dành cho hội viên. Đồng thời, cam kết đảm bảo giá cả bình ổn cho các mặt hàng thiết yếu.

Dân tăng dự trữ hàng hoá chống bão Wipha, có siêu thị sức mua đột biến tới 200%- Ảnh 3.
Sức mua tại một số siêu thị WinMart/WinMart lên tới 200% so với thông thường.

Đối với các cửa hàng nằm trong khu vực tâm bão hoặc trong khu vực ngập lụt, WinMart kích hoạt kịch bản vận hành linh hoạt, chủ động phối hợp cùng các nhà cung cấp để điều phối nguồn hàng.

"Trong bất kỳ tình huống nào, chúng tôi cố gắng vận chuyển và đảm bảo hàng không đứt gãy, sẵn sàng phân phối đến các siêu thị/cửa hàng", ông Mạnh cam kết.

Tương tự, tại siêu thị BRGMart trên phố Láng Hạ, đại diện siêu thị thông tin, khách hôm nay đông gấp đôi ngày thường, tập trung vào rau xanh, thịt, hàng khô.

"Chúng tôi đã tăng dự trữ khoảng 40%, tiếp hàng liên tục để kệ luôn đầy, khách không phải lo thiếu", vị đại diện cho hay.

Dù vậy, nhiều khách hàng cho biết, họ chỉ mua vừa đủ cho 1-3 ngày và không quá lo lắng vì hàng hóa vẫn dồi dào. Chị Nguyễn Thị Hồng (phố Giảng Võ) chia sẻ: "Tôi chỉ mua ít thịt, rau, mì cho mấy bữa, thấy siêu thị và chợ vẫn đầy hàng nên rất yên tâm".

Cùng với sự chuẩn bị của tiểu thương và doanh nghiệp bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường cũng vừa "lệnh" tăng cường kiểm tra, niêm yết và bán đúng giá, xử lý kịp thời các hành vi găm hàng, nâng giá vô lý.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội khẳng định: "Nguồn hàng thiết yếu dồi dào, đã có phương án phối hợp giữa nhà bán lẻ và tiểu thương để đảm bảo cung ứng ổn định trước, trong và sau bão".

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, đảm bảo an toàn hàng hóa và công trình trong khu vực chợ Đồng Xuân, bà Hà Thị Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân – đơn vị quản lý và khai thác chợ cho biết đã yêu cầu Phòng quản lý chợ nhắc nhở các hộ kinh doanh chủ động che đậy, kê cao hàng hóa để phòng ngừa ngập úng.

Đồng thời phối hợp với các phòng ban liên quan kiểm tra, ứng trực, không để xảy ra sự cố, bảo đảm cung cầu hàng hoá, ổn định giá cả...

Bạn đang đọc bài viết Dân tăng dự trữ hàng hoá chống bão Wipha, có siêu thị sức mua đột biến tới 200%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tái định vị sản phẩm trong nền kinh tế tiêu dùng thông minh
Nền kinh tế tiêu dùng thông minh đang định hình lại cách thức các doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ khách hàng. Trong bối cảnh này, việc tái định vị sản phẩm không còn là chiến lược tùy chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.
Cơ hội cho sản phẩm OCOP từ sự chuyển hướng tiêu dùng an toàn
Sự gia tăng của các vụ việc liên quan đến thực phẩm giả, kém chất lượng không chỉ đặt ra thách thức cho công tác quản lý thị trường mà còn mở ra cơ hội rõ rệt cho các sản phẩm nông sản chế biến, đặc biệt là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, tiếp cận rộng rãi hơn tới người tiêu dùng.

Tin mới

Đua “săn” ngôi nhà thứ hai ven biển TP.HCM: Casa dẫn đầu với vị thế tài sản nghỉ dưỡng “truyền đời”
Sở hữu vị trí “ven biển, chạm phố”, kết nối trung tâm TP.HCM, toàn vùng và toàn quốc qua hệ thống hạ tầng hiện đại, phân khu Casa thuộc Blanca City nổi bật như khoản đầu tư “second home” chiến lược, vừa phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vừa mang lại khả năng kinh doanh và tăng trưởng giá trị.
Khó khăn bủa vây nhiều nhóm ngành công nghiệp
Dù nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, động lực tăng trưởng chính vẫn rất cần những chính sách linh hoạt và hỗ trợ cụ thể để vượt qua thách thức, duy trì đà sản xuất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Siết chặt kiểm tra, xử lý găm hàng, thổi giá trong mưa bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), Bộ Công thương đã ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu các địa phương, lực lượng quản lý thị trường và doanh nghiệp chủ động kiểm soát thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Tái định vị sản phẩm trong nền kinh tế tiêu dùng thông minh
Nền kinh tế tiêu dùng thông minh đang định hình lại cách thức các doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ khách hàng. Trong bối cảnh này, việc tái định vị sản phẩm không còn là chiến lược tùy chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.