Khó khăn bủa vây nhiều nhóm ngành công nghiệp
Dù nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, động lực tăng trưởng chính vẫn rất cần những chính sách linh hoạt và hỗ trợ cụ thể để vượt qua thách thức, duy trì đà sản xuất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II/2025, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết: Kết quả khảo sát quý II cho thấy các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, với những yếu tố then chốt kéo tụt triển vọng phục hồi.
Cụ thể, hai yếu tố được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” (51,2%) và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” (50,1%). Ngoài ra, còn có những yếu tố gây sức ép không nhỏ như: nhu cầu thị trường quốc tế thấp (30,8%), khó khăn về tài chính (24,5%), không tuyển dụng được lao động phù hợp (23,2%), không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu (21,9%), lãi suất vay vốn cao (19,8%), thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (19,2%), thiết bị - công nghệ lạc hậu (14,9%) và cả những vướng mắc từ chính sách pháp luật của Nhà nước (10,4%).
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng chủ lực của nền kinh tế, các nhóm ngành cụ thể đang chịu áp lực theo cách khác nhau. Chẳng hạn như ngành sản xuất đồ uống đang “hứng đòn kép” từ nhu cầu thị trường trong nước thấp (70,1%) và sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành (71,5%). Đặc biệt, có đến 25% doanh nghiệp ngành này cho biết họ gặp khó khăn do những thay đổi hoặc chưa rõ ràng trong chính sách pháp luật.

Ngành dệt may - một lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế tiếp tục đối mặt với loạt khó khăn: 64,6% doanh nghiệp cho biết nhu cầu thị trường trong nước yếu, 47,5% gặp trở ngại vì thị trường quốc tế đi xuống, hơn 51% bị cạnh tranh gay gắt trong nước và 25,2% thiếu hụt lao động đúng chuyên môn. Cũng có tới 32,9% doanh nghiệp dệt may bị áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Với ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, thách thức lớn nhất lại đến từ cạnh tranh nội ngành (68,6%), bên cạnh việc nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp (56,9%). Đáng chú ý, 33,3% doanh nghiệp ngành này cảm thấy bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa nhập khẩu, chủ yếu từ các thị trường có ưu đãi thuế quan hoặc giá thành sản xuất rẻ hơn.
Một ngành khác cũng chịu áp lực lớn là sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại. Có tới 68,3% doanh nghiệp cho biết đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cùng ngành. Bên cạnh đó, việc thiếu nguyên, nhiên vật liệu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, với 35,2% doanh nghiệp phản ánh đây là nguyên nhân gây đình trệ.
Tuy nhiên, bước sang quý III và nửa cuối năm 2025, bức tranh kinh tế được kỳ vọng sẽ có thêm một số điểm sáng. Theo bà Hương, dự báo từ các tổ chức quốc tế cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bước vào mô hình “chậm mà chắc”, dù lạm phát vẫn cao và các chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì sự thận trọng. Quý III cũng là giai đoạn quan trọng để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ lớn tại Mỹ và châu Âu - thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Trong nước, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp giúp giảm tầng nấc trung gian và rút gọn thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Song song, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái được thực thi mạnh mẽ cũng góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp nội địa mở rộng sản xuất.
Đặc biệt, đầu tư công đang bước vào giai đoạn tăng tốc, cộng hưởng cùng làn sóng FDI vào lĩnh vực bất động sản - xây dựng - hạ tầng, sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng như xi măng, bê tông, sắt thép… Các ngành phục vụ xuất khẩu như điện tử, dệt may, da giày cũng được nhận định là sẽ giữ vững đà tăng trưởng nhờ ưu đãi thuế quan mới đạt được với Mỹ và các đối tác thương mại lớn. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu hút FDI - với các ngành điện tử, máy tính… vẫn đóng vai trò chủ lực.
Dù vậy, thách thức vẫn còn đó. Ngành khai khoáng được dự báo tiếp tục giảm; giá dầu và khí quốc tế diễn biến khó lường; chính sách thương mại của Mỹ có thể tạo thêm rào cản chi phí; chuỗi cung ứng chưa phục hồi hoàn toàn khiến nhiều doanh nghiệp thiếu ổn định trong đầu vào. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất “xanh - sạch - số hóa” đang đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.
Có thể thấy sản xuất công nghiệp trong nửa cuối năm 2025 vẫn được kỳ vọng tiếp đà phục hồi, nhờ các động lực như đầu tư công quy mô lớn, dòng vốn FDI vào ngành công nghệ - chế biến chế tạo, cùng xu thế chuyển đổi số toàn diện. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp cần sự linh hoạt và chủ động trong ứng phó thị trường, đồng thời rất cần sự đồng hành, tháo gỡ từ chính sách - nhất là các giải pháp tài chính, công nghệ, và cải thiện chuỗi cung ứng trong nước.
Bảo Thoa