0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 22/07/2025 19:52 (GMT+7)

Mới nhất: Bão số 3 ít di chuyển, tâm bão vẫn ở Ninh Bình-Thanh Hóa

Theo dõi KT&TD trên

Theo tin bão mới nhất, lúc 16h ngày 22/7, tâm bão số 3 ở trên đất liền Ninh Bình–Thanh Hóa, mạnh cấp 8, giật cấp 10, di chuyển hướng Tây với tốc độ 10–15km/h.

Thông tin mới nhất về bão số 3

Trong 3 giờ qua, bão số 3 hầu như không dịch chuyển. Do ảnh hưởng của bão, vào lúc 16 giờ ngày 22/7, tại Hòn Dấu (Hải Phòng) ghi nhận gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Uông Bí (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Văn Lý (Ninh Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Ba Lạt (Hưng Yên) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9...

Hồi 16 giờ cùng ngày, tâm bão nằm trên đất liền, ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc và 105,9 độ Kinh Đông, thuộc khu vực giữa Ninh Bình và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 8 (62–74km/h), giật cấp 10. Dự báo bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10–15km/h.

Đến 16 giờ ngày 23/7, bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là vùng áp thấp khi đi vào khu vực Thượng Lào. Vị trí lúc này ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc – 102,8 độ Kinh Đông. Cường độ gió dưới cấp 6.

Mới nhất: Bão số 3 ít di chuyển, tâm bão vẫn ở Ninh Bình-Thanh Hóa - Ảnh 1
Bão số 3 ít di chuyển trong 3 giờ qua, tâm bão vẫn ở khu vực các tỉnh Ninh Bình-Thanh Hoá - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia.

Vùng nguy hiểm do bão xác định nằm phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 108,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai được đánh giá là cấp 3, áp dụng cho khu vực biển phía Tây Vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Trong chiều tối và đêm nay (22/7), toàn khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, cùng hai đảo Hòn Dấu và Hòn Ngư) sẽ có gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao từ 2–4m, biển động mạnh.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo: thời tiết trên biển và vùng đất liền ven biển đang ở mức cực kỳ nguy hiểm. Mọi hoạt động trong vùng nguy hiểm như tàu du lịch, tàu vận tải, lồng bè nuôi trồng thủy sản, đê kè, các tuyến ven biển đều tiềm ẩn rủi ro cao, dễ bị lật úp, phá huỷ hoặc ngập úng do gió mạnh, giông lốc và sóng lớn.

Trên đất liền, khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh sâu trong nội địa như Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa cũng ghi nhận gió giật mạnh ở mức cấp 6–8. Gió mạnh cấp 8 có thể làm gãy cành cây, tốc mái, gây thiệt hại cho nhà cửa.

Từ chiều tối 22/7 đến sáng 23/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La dự báo có mưa to đến rất to kèm dông, lượng mưa phổ biến 50–100mm, có nơi vượt 200mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to cục bộ và dông, lượng mưa từ 20–40mm, có nơi trên 100mm. Cảnh báo nguy cơ xuất hiện các đợt mưa cực đoan với cường suất trên 150mm/3 giờ.

Mưa lớn trong thời gian ngắn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại vùng trũng, thấp.

Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét

Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 21/7 đến 16h ngày 22/7), nhiều khu vực tại các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh ghi nhận mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to. Lượng mưa lớn được ghi nhận tại nhiều điểm như Xuân Nha (Sơn La) 135,6mm, Vạn Mai (Phú Thọ) 224,8mm, Trạm Tấu (Lào Cai) 105,6mm, Như Xuân (Thanh Hóa) 395,8mm và Châu Nga (Nghệ An) 348,2mm.

Dữ liệu từ mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh nêu trên đã đạt hoặc gần đạt độ bão hòa, với độ ẩm trên 85%. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Trong 3–6 giờ tới, dự báo các khu vực này tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20–40mm tại Lào Cai, Sơn La và Hà Tĩnh (cục bộ có nơi trên 70mm); riêng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và phía Nam Phú Thọ có thể đạt 40–60mm, một số nơi vượt mức 180mm.

Trước tình hình trên, nguy cơ lũ quét tại các sông, suối nhỏ, cùng sạt lở đất ở nhiều xã, phường trong vùng ảnh hưởng được đánh giá ở mức cao. Cảnh báo thiên tai được đưa ra ở cấp độ 1 đối với phần lớn khu vực, riêng tỉnh Nghệ An ở mức 2.

Các hiện tượng lũ quét, sạt lở và sụt lún đất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, gây ách tắc giao thông, phá hủy cơ sở hạ tầng, thiệt hại cho sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực.

Tỉnh Ninh Bình ứng phó khẩn cấp với bão số 3

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão, đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường, đặc biệt là các địa phương ven biển, khẩn trương triển khai nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng nhằm ứng phó khẩn cấp với tác động do bão số 3 gây ra.

Mới nhất: Bão số 3 ít di chuyển, tâm bão vẫn ở Ninh Bình-Thanh Hóa - Ảnh 2
Sóng dữ dội tại khu vực ven biển xã Hải Tiến (Ninh Bình) - Ảnh: Tuấn Minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các xã, phường huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bão. Theo dõi sát diễn biến, duy trì lực lượng, phương tiện, thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ" để kịp thời phòng tránh và xử lý khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân sự, công an để rà soát và chuẩn bị phương án di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm như nhà tạm, vùng trũng thấp ven biển, ven sông có nguy cơ sạt lở, ngập sâu. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, hỗ trợ lương thực, thuốc men tại các điểm sơ tán. Tuyên truyền hạn chế người dân ra đường khi bão đổ bộ.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt tại các điểm xung yếu. Tổ chức trực ban 24/24, bố trí vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo và đảm bảo lực lượng quân đội là nòng cốt trong nhiệm vụ hộ đê. Phối hợp với địa phương rà soát phương án di dân, bố trí lực lượng tại các điểm xung yếu, kiểm đếm tàu thuyền và kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu trong khu neo đậu.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền hỗ trợ người dân phòng chống bão và tham gia cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị cơ số thuốc, phương tiện sơ cấp cứu, tổ chức khám chữa bệnh tại vùng ảnh hưởng, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, môi trường sau bão để phòng chống dịch bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng chính quyền địa phương cho học sinh nghỉ học từ ngày 22/7 (Thứ Ba) đến khi bão tan.

Các sở, ngành khác chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, phối hợp hiệu quả với địa phương và đơn vị liên quan trong công tác ứng phó khẩn cấp với bão.

Các công ty quản lý thủy lợi và đơn vị tiêu thoát nước đô thị cần rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ngập úng; xây dựng phương án vận hành tiêu nước phù hợp với địa hình và năng lực công trình.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan tập trung cao độ, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ nêu trên để ứng phó kịp thời với bão số 3.

Đức Bách

Bạn đang đọc bài viết Mới nhất: Bão số 3 ít di chuyển, tâm bão vẫn ở Ninh Bình-Thanh Hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đua “săn” ngôi nhà thứ hai ven biển TP.HCM: Casa dẫn đầu với vị thế tài sản nghỉ dưỡng “truyền đời”
Sở hữu vị trí “ven biển, chạm phố”, kết nối trung tâm TP.HCM, toàn vùng và toàn quốc qua hệ thống hạ tầng hiện đại, phân khu Casa thuộc Blanca City nổi bật như khoản đầu tư “second home” chiến lược, vừa phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vừa mang lại khả năng kinh doanh và tăng trưởng giá trị.
Khó khăn bủa vây nhiều nhóm ngành công nghiệp
Dù nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, động lực tăng trưởng chính vẫn rất cần những chính sách linh hoạt và hỗ trợ cụ thể để vượt qua thách thức, duy trì đà sản xuất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Siết chặt kiểm tra, xử lý găm hàng, thổi giá trong mưa bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), Bộ Công thương đã ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu các địa phương, lực lượng quản lý thị trường và doanh nghiệp chủ động kiểm soát thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Tái định vị sản phẩm trong nền kinh tế tiêu dùng thông minh
Nền kinh tế tiêu dùng thông minh đang định hình lại cách thức các doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ khách hàng. Trong bối cảnh này, việc tái định vị sản phẩm không còn là chiến lược tùy chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.