Kiên quyết xóa chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn Thủ đô
Sở Công Thương cần phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân (UBND) các xã trong năm nay kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, yêu cầu các địa phương “vào cuộc” trong việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống chợ hiện đại theo chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội… Đó là yêu cầu được đưa ra tại buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội mới đây.
Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của ngành vượt kế hoạch đề ra
Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình triển khai các nhiệm vụ công tác chuyên môn 6 tháng đầu năm và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố ước tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 0,04 điểm % so với kịch bản).

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,66%; quý II tăng 7,75%), đóng góp 1,29 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực dịch vụ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, khi giá trị tăng thêm ước tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 8,57%; quý II tăng 8,28%), đóng góp 5,76 điểm % vào mức tăng GRDP. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành bán buôn, bán lẻ tăng 6,85%, đóng góp 0,71 điểm %.
Riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 6,8 điểm %); kim ngạch nhập khẩu ước tăng 14,3%. Trong đó, tính riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, 6 tháng đầu năm ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng các năm 2021 - 2025 lần lượt là: 3,7%; 16,9%; -3,6%; 10,4%; 12,5%).
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Máy móc thiết bị phụ tùng 1.435 triệu USD, tăng 34,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng 1.312 triệu USD, tăng 30,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện 1.282 triệu USD, tăng 3,6%; hàng dệt may 1.099 triệu USD, tăng 9%; hàng nông sản 834 triệu USD, tăng 2,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ 494 triệu USD, tăng 25,1%; hàng hóa khác 2.627 triệu USD, tăng 20%. Có 2/12 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Xăng dầu 288 triệu USD, giảm 57,4%; hàng gốm sứ 98 triệu USD, giảm 5,5%...
Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp từ 7,15% trở lên, cả năm 2025 tăng trưởng từ 7% trở lên; Giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng trưởng từ 10,6% trở lên, cả năm 2025 từ 8,79% trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ từ 14,53% trở lên, cả năm 2025 phấn đấu từ 14% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ 1,3% trở lên, cả năm 2025 từ 7% trở lên. Phấn đấu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2025 thấp hơn hoặc bằng 5%...
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao năm 2025, tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo, Sở Công Thương đề nghị Thành phố xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo chợ theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra. Đồng thời, sớm phê duyệt Quy trình thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Sở Công Thương cũng đề nghị, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020 để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật sớm đưa dự án vào hoạt động; chỉ đạo các Sở, ngành gồm: Công an, Hải quan, Thuế, các đơn vị thuộc Sở Y tế, Sở Tài chính… phối hợp với Sở Công Thương xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm rõ trách nhiệm, thống nhất trong tổ chức thực hiện, triển khai áp dụng từ sau ngày 1/7…
Đẩy mạnh hoạt động xây dựng chợ theo hướng hiện đại
Đánh giá cao kết quả ngành Công Thương Hà Nội đã đạt được 6 tháng đầu năm 2025, cũng như những kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đặt ra nhiều vấn đề, trong đó hiện nay thành phố Hà Nội đã chuyển sang vận hành chính quyền địa phương hai cấp, vì vậy Sở Công Thương cần hỗ trợ cấp xã trong việc triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành.

Về vấn đề quy hoạch, ngành Công Thương cần rà soát lại các khu, cụm công nghiệp vì hiện có một số khu, cụm công nghiệp nằm trên địa bàn 2-3 xã. Do đó, cần xác định rõ để phân trách nhiệm cụ thể cho địa phương.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ của ngành như phát triển hệ thống mô hình outlet, chợ đầu mối ở Gia Lâm… đề ra đã lâu nhưng đến nay chưa có những bước triển khai thực sự. "Sở Công Thương cần phát huy tính chủ động để vào cuộc tháo gỡ, triển khai các nhiệm vụ này", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các xã trong năm nay kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, yêu cầu các địa phương "vào cuộc" trong việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống chợ hiện đại theo chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".
Cùng với đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ, quy hoạch đưa vào các điểm giết mổ tập trung, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, đơn vị vì đầu tư ban đầu lớn, công tác vận hành chi phí cao từ hệ thống nhà xưởng, nhân lực, xử lý nước thải, rác thải…
Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, thời gian tới, Sở Công Thương quan tâm, chỉ đạo, thực hiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8%; dứt khoát xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm; nghiên cứu xây dựng Ban Quản lý chợ chợ gắn với kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm…
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, rà soát toàn bộ các cụm công nghiệp theo đúng quy định, nội dung dự thảo. Phân cấp giao trách nhiệm cho Thành phố. Đồng thời, tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra, khắc phục các tồn tại, thúc đẩy sớm các cụm công nghiệp. Khi hạ tầng đã dần hoàn thiện thì cần quan tâm đến vấn đề sáng, xanh, sạch, đẹp. Chú trọng vấn đề xử lý nước thải….
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi sản xuất, thực phẩm an toàn. Thúc đẩy phát triển các làng nghề, thành các mô hình liên kết. Đẩy mạnh sử dụng năng sạch, năng lượng mặt trời. Cùng đó, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường trách nhiệm phân cấp theo địa phương quản lý. Hàng giả, hàng nhái, phải xử lý dứt điểm, mạnh tay.