Đồ uống theo mùa: tác động đến doanh thu doanh nghiệp F&B tại Việt Nam
Trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đầy cạnh tranh, các doanh nghiệp không chỉ cần tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn phải nắm bắt nhanh chóng xu hướng tiêu dùng biến đổi theo từng thời điểm trong năm.
Đồ uống theo mùa đã trở thành một phần không thể thiếu, giúp nhiều thương hiệu tối ưu hóa doanh thu và giữ chân khách hàng.
Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết. Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao khiến nhu cầu đối với các sản phẩm giải khát như trà trái cây, nước ép và sinh tố tăng mạnh. Trong khi đó, vào mùa đông hoặc những ngày mưa, các loại thức uống nóng như cà phê, trà gừng, sô-cô-la nóng lại trở thành lựa chọn ưu tiên. Theo báo cáo của iPOS.vn, những tháng nóng cao điểm thường ghi nhận mức doanh thu cao hơn 15-20% so với các mùa khác, đặc biệt ở những thương hiệu có thế mạnh về đồ uống giải nhiệt. Các thương hiệu lớn như The Coffee House đều có những loại đồ uống nhận diện theo mùa như: trà ướp hương hoa, trà thảo mộc cho mùa xuân; trà xanh thanh nhiệt cho mùa hạ; trà ô long tươi mát cho mùa thu; hồng trà sưởi ấm mùa giá lạnh.
Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng theo mùa cũng phản ánh xu hướng "đồ uống lành mạnh". Theo báo cáo từ Vietnam Report, khách hàng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm ít đường, bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, đặc biệt trong những thời điểm giao mùa dễ gây ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.
Mùa hè được xem là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp F&B, đặc biệt là các thương hiệu kinh doanh nước giải khát. Theo số liệu từ Vietnam Report, doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống tăng mạnh trong mùa cao điểm nhờ vào nhu cầu tiêu thụ đồ uống mát lạnh và thói quen mua sắm, ăn uống ngoài trời của người tiêu dùng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, lượng khách du lịch tăng đột biến trong mùa hè cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu của các chuỗi cửa hàng. Bên cạnh đó, mùa lễ hội như Tết Nguyên đán, Giáng sinh cũng mang lại cơ hội doanh thu lớn. Các sản phẩm phiên bản giới hạn đi kèm với các chương trình khuyến mãi đặc biệt giúp thu hút lượng lớn khách hàng. Chẳng hạn như, Starbucks đã thành công với dòng Pumpkin Spice Latte vào mùa thu và Giáng sinh, tạo ra trào lưu tiêu dùng mới tại thị trường Việt Nam. Theo nghiên cứu từ iPOS.vn, những mùa lễ này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu từ 20-30% nhờ chiến lược marketing theo chủ đề.
Mặc dù mùa cao điểm mang lại nguồn thu lớn, nhưng mùa thấp điểm như mùa mưa hoặc các tháng cuối hè có thể gây ra khó khăn cho doanh nghiệp. Khi nhu cầu tiêu thụ giảm, nhiều thương hiệu phải tìm cách giữ doanh thu thông qua các chiến dịch khuyến mãi và chương trình khách hàng thân thiết. Ngoài ra, hợp tác với các nền tảng giao hàng như GrabFood hay ShopeeFood giúp các cửa hàng duy trì dòng doanh thu ổn định trong thời gian thời tiết xấu, các ứng dụng giao hàng cũng có thể đề xuất đồ uống nóng vào những ngày trời lạnh và khuyến mãi đồ uống mát vào những ngày nắng nóng.
Đặc biệt, miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa, thời tiết có sự thay đổi đáng kể giữa ban ngày và ban đêm, ban ngày dịu mát, ban đêm chuyển lạnh. Đây là thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp F&B phục vụ cà phê, ngoài những dòng cà phê truyền thống như cà phê sữa nóng và espresso, các quán có thể sáng tạo các dòng khác như cà phê muối, mocha hay latte vị quế. Ngoài ra, các loại trà gừng, trà quế, hay trà thảo mộc là lựa chọn phổ biến, những loại trà này không chỉ giúp giữ ấm cơ thể mà còn mang lại cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng. Sô-cô-la nóng và thức uống có topping marshmallow cũng không phải là lựa chọn tồi, các thương hiệu nổi tiếng như Highlands hay Starbucks thường ra mắt phiên bản đặc biệt với sô-cô-la đậm đặc kèm topping marshmallow vào mùa lễ hội, dễ gây ấn tượng và được khách hàng trẻ rất ưa chuộng.
Đồ uống theo mùa không chỉ là xu hướng tạm thời mà đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp F&B. Việc hiểu rõ thói quen tiêu dùng và dự đoán xu hướng theo mùa giúp doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu và giảm thiểu rủi ro khi giao mùa. Trong tương lai, xu hướng cá nhân hóa sản phẩm và tiêu dùng bền vững dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Do đó, những thương hiệu biết cách kết hợp linh hoạt giữa yếu tố mùa vụ và đổi mới sản phẩm sẽ chiếm lĩnh thị trường và gia tăng khả năng cạnh tranh trong ngành F&B đang ngày càng khốc liệt.