Bán lẻ trực tuyến càng hiện đại, bảo vệ người tiêu dùng càng khó
Sự hiện đại của công nghệ đang tạo ra sân chơi đầy màu sắc cho bán lẻ trực tuyến. Giờ đây, không chỉ các sản thương mại điện tử, thương mại xã hội như TikTok, Facebook hay Youtube cũng từng bước trở thành kênh bán hàng quan trọng trong không gian bán lẻ trực tuyến.
Sự phát triển này đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cũng như cơ hội phát triển thị trường cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, nền tảng này còn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế khiến các đối tượng xấu lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi.
Bán lẻ trực tuyến nhanh, tiện lợi… nhưng “rủi ro”
Sự gia tăng của hình thức mua bán trực tuyến và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng, laptop,...) đã có tác động đáng kể đến ngành thương mại điện tử và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2024 và những năm tiếp theo.
Lợi thế với số lượng người sử dụng thiết bị di động để mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, các doanh nghiệp cũng đã nắm bắt được đặc điểm này và tiến hành tối ưu hóa trang web cho phù hợp với các loại thiết bị khác nhau để cung cấp trải nghiệm mua sắm nhanh chóng và dễ dàng hơn cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc mua hàng qua mạng internet cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng, do có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.
Trên trang mạng xã hội Facebook, TikTok người dùng cũng rất dễ dàng theo dõi các buổi livestream bán hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm… đến thực phẩm chức năng cả trong nước lẫn nước ngoài, từ người nổi tiếng đến chủ shop tham gia chào bán.
Trên sàn Shopee, theo khảo sát của PV Thương Trường, ở mục túi ví nữ, đập vào mắt khách hàng là có rất nhiều mẫu sản phẩm được giới thiệu hàng hiệu như Louis Vuitton (LVMH), Prada,… với đủ loại và kiểu dáng. Dù là những hàng hiệu xa xỉ nhưng giá bán tại các shop trên Shoppee đều có giá rất rẻ, trung bình từ hơn 300 - 1.000.000 đồng. Cụ thể, tại shop có tên Phượng Đoàn đang giới thiệu sét Prada kèm ví nhỏ da xước size 23cm Full box giá 319.000 đồng, giảm tới 36% so với giá gốc 500.000 đồng. Đáng chú ý, hình ảnh quảng bá cho sản phẩm này là chiếc túi có in rõ ràng nhãn hiệu Prada kèm cả hộp giấy cứng của thương hiệu nổi tiếng thế giới. Dưới phần comment có một số bình luận khen cửa hàng giao nhanh, giá rẻ, sản phẩm ok… và kèm luôn hình ảnh nhận hàng cũng rõ ràng mang tên Prada.
Thực tế, giá của các mặt hàng túi xách mang thương hiệu xa xỉ như LVMH hay Prada đều có mức giá vượt xa so với thực tế nhiều shop đang bán trên Shopee. Cụ thể, khảo sát trên “vua hàng hiệu”, cho thấy túi xách của Prada có mức giá thấp nhất cũng xấp xỉ 10 triệu đồng, còn trung bình từ trên 10 triệu – hơn 70 triệu đồng cho một sản phẩm đang bán tại thị trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc sản phẩm hàng hiệu được bán với giá rẻ không tưởng so với giá thị trường thì có thể là dấu hiệu của sản phẩm giả mạo. Tuy nhiên, việc tự phân biệt hàng chính hãng và sản phẩm giả mạo có thể khó khăn đối với người dùng không có kinh nghiệm. Do đó, nhiều người tiêu dùng vẫn đang lầm tưởng hoặc tự ngộ nhân về sản phẩm hàng hiệu mà mình đã mua được với giá hời.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định tình trạng hàng nhái, hàng giả trên các sàn thương mại điện tử đã tồn tại nhiều năm qua. Hiện nay, vấn đề này đang ngày càng lan rộng theo xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử hay hoạt động livestream bán hàng. Vì vậy, cơ quan quản lý liên quan cần rà soát các văn bản quy định về hành nghề thương mại thông qua các nền tảng số; yêu cầu các sàn thương mại điện tử đăng ký kê khai số gian hàng tham gia trên sàn để nắm số lượng người bán. Thậm chí rà soát cả các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động bán hàng qua mạng.
Hồi cuối năm 2023, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an Thành phố Pleiku) kiểm tra tại Hộ kinh doanh của bà Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop), địa chỉ 121/5 Lê Đại Hành, tổ 3, phường Đống Đa, Thành phố Pleiku. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh này đang livestream bán hàng và chốt đơn qua Facebook có tên “Ngọc Quyên Gia Lai”. Các livestream cũng được phát lại tại các tài khoản khác mang tên “Ngọc Quyên”. Trong khu vực kho có nhiều loại hàng hóa như: Nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Dior, Versace…; giày, dép, túi xách, mắt kính mang các thương nổi tiếng như Tommy, MBL, Addidas, Nike…cùng rất nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số lượng hàng hóa vi phạm sau khi được kiểm đếm niêm phong lên đến hơn chục nghìn đơn vị sản phẩm.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai xác định 4 hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh này là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Hiện vụ việc đang được Công an Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai thụ lý, điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ việc điển hình được lực lượng chức năng xử lý, song trên thực tế người tiêu dùng vẫn phải âm thầm chịu đứng, thậm chí phải chấp nhận vì đã mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết kêu ai.
Bảo vệ người tiêu dùng ngày càng khó hơn
Bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại điện tử còn bộc lộ một số bất cập trong quá trình phát triển do phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.
Điều này đang đặt ra những yêu cầu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý thương mại điện tử. Bởi nếu không có biện pháp, công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tốt môi trường trực tuyến, sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, bản thân nền tảng mua hàng trực tuyến và các doanh nghiệp sản xuất cũng dần bị mất uy tín.
Vậy kiểm soát vấn đề này như thế nào, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra sao trong bối cảnh mà bán lẻ trực tuyến đang ngày càng bùng nổ và thay đổi không ngừng như hiện nay?
Thông tin tới báo chí mới đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết thương mại điện tử phát triển bùng nổ đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hơn nữa, mạng xã hội xuyên biên giới nên các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. “Với thương mại truyền thống, việc xác minh địa điểm mua bán, kho chứa hàng, giao kết hợp đồng dễ dàng hơn. Nhưng với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, người bán, kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ hơn với kinh doanh online” – ông Linh nhấn mạnh.
Năm ngoái, vào ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án trên được Chính phủ phê duyệt kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.
Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động thương mại điện tử được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo nhận định của Tổng cục QLTT, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như hạn chế trong công tác theo dõi, xử lý các vụ việc nổi cộm có lúc còn bị động, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh thì một nguyên nhân khách quan khác khiến hoạt động thương mại điện tử đang còn nhiều lỗ hổng là bởi loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.
Theo quy định hiện hành, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước về đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với hàng giả, hàng kém chất lượng có sự tham gia của nhiều lực lượng như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa,...
Tuy vậy, mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng đối với lĩnh vực được giao phụ trách và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý. Chưa kể, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên, nên có độ trễ nhất định trong ra quyết định xử phạt.
Cần đồng bộ các giải pháp để kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, ông Trần Hữu Linh, cho rằng để tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, cảng biển.
Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán, sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng thuộc các bộ, ngành sẽ giúp công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không xác định được nguồn gốc, xuất xứ trên môi trường mạng được hiệu quả hơn...
Minh Đức