0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Chủ nhật, 11/02/2024 07:26 (GMT+7)

Triển vọng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam năm 2024

Theo dõi KT&TD trên

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm nước, tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Điều nằm đã khích lệ tinh thần cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ sau những lo lắng quan ngại về các khó khăn của thị trường, về sức mua giảm sút... và tin tưởng vào sức bật của ngành bán lẻ trong năm 2024.

Năm 2023 vừa 'hạ cánh' khá êm đềm đối với ngành dịch vụ bán lẻ với các số liệu khá phấn khởi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm nước, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (8-9%). Nhìn chung, đây là mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điều nằm đã khích lệ tinh thần cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ sau những lo lắng quan ngại về các khó khăn của thị trường, về sức mua giảm sút... và tin tưởng vào sức bật của ngành bán lẻ trong năm 2024.

Chúng ta hãy cùng xem xét những thay đổi trong vài năm gần đây và triển vọng thị trường bán lẻ trong năm 2024.

Bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử - một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là sự chuyển đổi nhanh chóng từ các phương thức mua bán truyền thống sang mua sắm trực tuyến theo xu thế của thời đại Internet, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Bán lẻ trực tuyến đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải tăng cường sự hiện diện kỹ thuật số và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại điện tử mạnh mẽ.

Đầu năm 2023, khi mô tả về xu hướng nói trên, Tạp chí Thương Trường đã từng dẫn một nhận định chính xác là“Bán hàng trực tuyến là không thể đảo ngược, bất kể bạn bán gì”. Và thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người chọn mua sắm trực tuyến hơn bao giờ hết do sự tiện lợi, đa dạng và khả năng so sánh giá ngay tức thì. Cuộc cách mạng kỹ thuật số mang đến vô số cơ hội cho các nhà bán lẻ mở rộng phạm vi tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định việc tiếp tục mở rộng mua sắm trực tuyến là xu hướng chính định hình bối cảnh bán lẻ vào năm 2024.

Khi tăng trưởng thương mại điện tử quay trở lại mức trước đại dịch, nó sẽ tiếp tục thúc đẩy tổng doanh số bán lẻ 2024 và trong vài năm tới. Nói cách khác thương mại điện tử sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tương lai gần, tăng trưởng hai con số cho đến năm 2027.

Triển vọng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam năm 2024
Nguồn: Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Với sự gia tăng đáng kể về số lượng người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến, các nhà bán lẻ đang đầu tư mạnh vào nền tảng thương mại điện tử. Sự tăng trưởng này không chỉ là một giai đoạn nhất thời mà còn là sự thay đổi cơ bản trong cách người tiêu dùng mua sắm, được thúc đẩy bởi sự tiện lợi và đa dạng mà các nhà bán lẻ trực tuyến mang lại. Sự bùng nổ tiếp tục của thương mại điện tử cũng có nghĩa là các nhà bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là các nhà bán lẻ vừa nhỏ và siêu nhỏ, phải không ngừng đổi mới để nổi bật trên thị trường trực tuyến đông đúc và cạnh tranh cao độ.

Tuy nhiên, những gì mọi người mua trực tuyến đang thay đổi. Các danh mục thiết yếu như hàng tạp hóa, sức khỏe và chăm sóc cá nhân đang tăng thị phần bán hàng trực tuyến trong khi các danh mục như nội thất, thiết bị gia dụng lớn sẽ giảm hoặc có mức tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến ở mức tối thiểu.

Hòa cùng xu thế chung của thế giới, nhu cầu trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa của người tiêu dùng Việt Nam cũng tăng cao. Người tiêu dùng đang tìm kiếm nhiều thứ hơn là chỉ mối quan hệ mua sắm thông thường với các nhà bán lẻ; họ muốn các đề xuất sản phẩm được tuyển chọn, các ưu đãi được cá nhân hóa và thông tin liên lạc phù hợp. Sự tiện lợi đã trở thành điều tối quan trọng trong trải nghiệm bán lẻ. Cho dù đó là trải nghiệm mua sắm đa kênh liền mạch, đổi trả hàng dễ dàng hay nhiều tùy chọn thanh toán, các nhà bán lẻ đang tìm cách giúp việc mua sắm trở nên dễ dàng và thú vị nhất có thể.

Các nhà bán lẻ cần quan tâm đến kỳ vọng của người tiêu dùng về trải nghiệm cá nhân hóa đang tăng dần lên, đặc biệt đối với thế hệ Millennials & Gen Z. Do đó, nếu doanh nghiệp không cá nhân hoá hành trình cung cấp các dịch vụ và sản phẩm, họ sẽ có nguy cơ mất khách hàng tiềm năng và bị loại khỏi cuộc chơi.

Công nghệ và số hóa đã cho phép thực hiện cá nhân hóa một cách hiệu quả hơn cho doanh nghiệp về cả mặt chi phí và hoạt động. Thay vì đầu tư mở rộng nguồn nhân lực và các cửa hàng vật lý để tương tác trực tiếp với khách hàng, doanh nghiệp có thể áp dụng các công nghệ như phân tích dữ liệu, AI hoặc công nghệ thực tế ảo để đem đến các trải nghiệm cá nhân hóa.

Bán lẻ đa kênh – sự tích hợp liền mạch giữa các cửa hàng thực tế với nền tảng kỹ thuật số – là một xu hướng khác định hình tương lai của ngành bán lẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Mua sắm không còn tồn tại đơn độc riêng lẻ, hoặc tại cửa hàng thực tế hoặc trực tuyến nữa. Đó là một hành trình đầy biến động, trong đó người tiêu dùng có thể bắt đầu tìm kiếm ở một nơi và mua hàng ở một nơi khác.

Khách hàng ngày nay mong đợi trải nghiệm mua sắm nhất quán và liền mạch trên tất cả các kênh, cho dù họ đang ở cửa hàng, trên ứng dụng di động hay duyệt trang web. Chiến lược này không chỉ nâng cao sự hài lòng của khách hàng mà còn thúc đẩy lòng trung thành của họ. Đương nhiên là các nhà bán lẻ có khả năng hợp nhất thành công thế giới ngoại tuyến và trực tuyến sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

Triển vọng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam năm 2024

Bán lẻ đa kênh đã được khởi động và áp dụng từ nhiều năm nay trên thế giới và cũng khá sôi động ở Việt Nam trong vài năm nay nhưng các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực tế đã cho thấy Omnichannel sẽ quan trọng hơn bao giờ hết cho giai đoạn 2024 và những năm sau.

Bước sang năm 2024, các nhà bán lẻ cần biết được khách hàng của họ đang khám phá sản phẩm ở đâu, họ tìm hiểu thêm về chúng ở đâu và họ mua chúng ở đâu. Bất kể điều đó xảy ra một kênh hay nhiều kênh, bất cứ khi nào người tiêu dùng tương tác với một thương hiệu, nó sẽ mang lại cảm giác nhất quán và chuyển từ tương tác này sang tương tác khác. Đó là chìa khóa thực sự để thành công trong bán lẻ đa kênh.

Giao hàng trong ngày: Khi kỳ vọng của người tiêu dùng tăng lên, giao hàng trong ngày đang trở thành tiêu chuẩn chứ không còn là ngoại lệ. Trong thời đại của sự hài lòng ngay lập tức, người tiêu dùng ngày càng mong đợi việc mua hàng của họ sẽ được thực hiện ngay lập tức dẫn đến nhu cầu giao hàng trong ngày ngày càng tăng. Xu hướng này gây áp lực lên các nhà bán lẻ trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và hoạt động logistics. Đồng thời, nó mang lại cơ hội để tạo sự khác biệt thông qua dịch vụ khách hàng vượt trội.

Mặc dù một số nhà bán lẻ vừa và lớn của Việt Nam đã rất nỗ lực cho việc giao hàng trong 1 – 2 ngày (được coi là tiêu chuẩn của ngành bán lẻ ở nhiều nước trên thế giới), thậm chí là trong 1 – 2 giờ sau chốt đơn nhưng phần lớn các nhà bán lẻ khác đang chịu áp lực phải hợp lý hóa quy trình thực hiện, đầu tư vào năng lực logistics và chuỗi cung ứng của họ để đáp ứng những nhu cầu này của người tiêu dùng.

Không thể không nhắc đến vai trò của các hãng ship hàng trong thực hiện dịch vụ “Giao hàng trong ngày” với các ưu điểm vượt trội như sự tiện lợi, sự nhanh chóng, sự chuyên nghiệp… nhằm mang tới cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất và nhanh nhất, vừa đáp ứng được mong muốn giao hàng của các nhà bán lẻ, vừa phục vụ được người mua hàng nhận được sản phẩm nhanh chóng. Trong thời gian vừa qua, tên tuổi của các hãng ship hàng như: Giao hàng tiết kiệm, Ahamove, GrabExpress và nhiều hãng khác đã được các nhà bán lẻ, đặc biệt là các chủ shops tin cậy và hợp tác.

Cuộc cách mạng về bán lẻ hàng hóa đã qua sử dụng (reCommerce): Những mối quan tâm về phát triển bền vững và góp phần bảo vệ môi trường đang thúc đẩy xu hướng này trên thế giới, với việc kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng ngày càng trở nên phổ biến.

Nếu như chúng ta đã từng chứng kiến sự lên ngôi của reCommerce trong năm 2023 đặc biệt là kinh doanh các mặt hàng second-hand từ bình dân đến xa xỉ, năm 2024 xu hướng này vẫn mở rộng trên các kênh trực tuyến và ngoại tuyến. Không khó để nhận thấy, người dân Việt Nam cả thành thị và nông thôn hướng tới các hoạt động mua sắm bền vững này nhiều hơn và dự kiến kinh doanh bán lẻ hàng hóa đã qua sử dụng sẽ tiếp tục có đà phát triển.

Mua sắm qua video trực tiếp/ thương mại trực tiếp (Livestream shopping) tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Live stream shopping, hay còn được gọi là mua sắm qua video trực tiếp, xuất phát từ mạng xã hội ở Trung Quốc, nhanh chóng lan tỏa khắp các thị trường bán lẻ trên thế giới trong đó có Việt Nam. Livestream shopping đã phát triển thành một thị trường trị giá 512 tỷ USD - theo công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research. Công ty này nhận định doanh số bán hàng thông qua livestream chỉ riêng tại Mỹ có thể "dễ dàng" đạt 50 tỷ USD trong năm 2023.

Triển vọng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam năm 2024

Tại Việt Nam thì livestream shopping cũng trở nên quen thuộc trên các nền tảng xã hội khác như Facebook, Instagram và các công ty thương mại điện tử Shopee, Lazada hay TikTok Shop. Các nền tảng như TikTok đang mở đường cho việc mua sắm qua video trực tiếp, cung cấp một cách sáng tạo để các nhà bán lẻ tương tác với người tiêu dùng. Trải nghiệm mua sắm tương tác này cho phép tương tác theo thời gian thực và đề xuất được cá nhân hóa, tạo ra một môi trường mua sắm độc đáo và hấp dẫn.

Các chuyên gia dự đoán rằng live commerce sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ cấp số nhân. Khi nhiều doanh nghiệp nhận ra tiềm năng của nó, họ sẽ đầu tư vào nền tảng và công nghệ để hỗ trợ nỗ lực phát trực tiếp của mình; tạo ra một hệ sinh thái thương mại trực tiếp lớn hơn và đa dạng hơn. Sự phát triển của live com-merce không chỉ giới hạn ở một ngành cụ thể: Từ thời trang và làm đẹp đến trang trí nhà cửa và điện tử. Xu hướng livestream được cho là sẽ tiếp tục có triển vọng tươi sáng, với nhiều thị trường và ngành thích hợp hơn; nhằm khám phá các khả năng của thương mại trực tiếp đối với mọi ngành hàng nói chung và ngành bán lẻ nói riêng.

Sự nổi lên của các nền tảng truyền thông đã đóng một vai trò quan trọng trong live commerce. Việc tích hợp các tính năng phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến; các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều đối tượng hơn và khai thác sức mạnh của việc chia sẻ. Sự kết hợp giữa truyền thông xã hội và live commerce dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa. Với các công nghệ và xu hướng mới nổi lên mỗi ngày, những thương hiệu đi trước xu hướng và nắm bắt công nghệ mới có khả năng thành công lâu dài. Vào 2024, chúng ta có thể kỳ vọng những trải nghiệm phát trực tiếp phong phú và phức tạp hơn sẽ mang lại trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và tương tác hơn nữa cho người tiêu dùng.

Thanh toán điện tử, đặc biệt là qua mã QR: Việc sử dụng ngày càng nhiều mã QR để thanh toán là một xu hướng đáng chú ý khác. Tùy chọn thanh toán thuận tiện và không tiếp xúc này đã được áp dụng rộng rãi ở các khu vực như Châu Á và dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu. Nó cung cấp cho người tiêu dùng một cách thanh toán nhanh chóng và dễ dàng, đồng thời cung cấp cho các nhà bán lẻ một quy trình thanh toán hợp lý.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 5 tháng đầu năm 2023, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hình thức quét mã QR đang tăng nhanh ở Việt Nam. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; Qua kênh điện thoại di động tăng 64,26% về số lượng và 7,65% về giá trị; Qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27%. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức quét mã QR tăng đến 151,14% về số lượng và 30,41% về giá trị.

Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là hình thức quét mã QR, đang tăng nhanh ở Việt Nam và được các nhà bán lẻ cũng như người tiêu dùng đón nhận và áp dụng ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, một số công nghệ mới nổi đã nổi lên trong vài năm qua và có khả năng có tác động to lớn vào năm 2024 hoặc cách kinh doanh mới mà các nhà bán lẻ Việt Nam cũng nên quan tâm, ví dụ: AI sáng tạo (Generative AI) và sử dụng Mạng truyền thông bán lẻ để tăng doanh số bán hàng của họ… hay Bán lẻ phong phú (Immersive Retail) mang lại trải nghiệm 3D cho người mua hàng bằng cách sử dụng thực tế tăng cường, thực tế ảo tại các cửa hàng ảo 3D, vv … Tuy khá mới mẻ và thú vị nhưng do thời lượng bài báo hạn chế chúng tôi xin phép trở lại những vấn đề này vào một dịp khác.

Như đã nói ở trên, những tín hiệu tích cực của thị trường trong năm 2023 đã tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào sự tăng trưởng của năm 2024. Thị trường Bán lẻ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bứt phá trong năm 2024, đặc biệt là trong nửa sau của năm, phát huy vai trò “trụ đỡ” của thị trường trong nước nói chung và ngành dịch vụ bán lẻ nói riêng, hỗ trợ phục hồi kinh tế đất nước./.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan

Bạn đang đọc bài viết Triển vọng ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.