Tiềm năng khai thác thị trường bán lẻ trong nước
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022.
Thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2021. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường bán lẻ trong nước trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần khắc phục một số hạn chế như: hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn; loại hình thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước liên kết chưa chặt chẽ; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… còn diễn biến phức tạp.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Hàng Việt có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80 - 90%),...
Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt Nam cao trong kênh phân phối.
Một số địa phương tăng có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với năm trước như: Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,1%; Đà Nẵng tăng 5,9%...
Đạt được kết quả nêu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ.
Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi.
Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Có tốc độ tăng trưởng cao, ông Vũ Vinh Phú nhìn nhận, ngành bán lẻ đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Với lợi thế sân nhà, doanh nghiệp nội vẫn có một số mặt mạnh có thể cạnh tranh, như, có hệ thống cung ứng ổn định, trải đều khắp cả nước, đặc biệt các doanh nghiệp nội thường nắm bắt được người tiêu dùng tốt hơn các “vị khách” đến từ bên ngoài.
“Nếu tận dụng tốt các ưu thế sẵn có, nhanh chóng chuyển đổi trạng thái cạnh tranh quyết liệt, doanh nghiệp Việt đầy cơ hội chiếm lĩnh phần lớn “chiếc bánh” thị trường bán lẻ nội địa”, ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Theo Bộ Công Thương, thị trường trong nước tăng trưởng cao - tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 9,6%, vượt kế hoạch đề ra (8-9%) -, là trụ đỡ cho tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Đáng chú ý, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm; xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%. Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các DN phân phối của Việt Nam có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Tiến Hoàng