Xuất khẩu điều quý 1/2024: Tăng cả lượng và trị giá
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong quý 1/2024 đạt 147 nghìn tấn, trị giá 782 triệu USD, tăng 31,8% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 3/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng mạnh, ước đạt 55 nghìn tấn, trị giá 289 triệu USD, tăng 106,8% về lượng và tăng 103,4% về trị giá so với tháng 2/2024. So với tháng 3/2023 tăng 10,7% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá. Tính chung quý I/2024, xuất khẩu hạt điều đạt khoảng 147 nghìn tấn, trị giá 782 triệu USD, tăng 31,8% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 5.248 USD/tấn trong tháng 3/2024, giảm 1,7% so với tháng 2/2024 và giảm 11,6% so với tháng 3/2023. Tính chung quý 1/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.329 USD/tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Về cơ cấu chủng loại, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt điều so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ hạt điều WS/WB, SP, DW.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320 và W240, tỷ trọng chiếm 56,71% tổng lượng hạt điều xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều W320 và W240 tác động tích cực lên hoạt động của ngành.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, xuất khẩu điều nhân trong quý I/2024 tăng trưởng mạnh là do giá quá rẻ, nên lượng tiêu thụ trên thế giới tăng trưởng tốt hơn nhiều so với lúc trước.
Tiêu thụ điều nhân tăng trưởng có 2 nguyên nhân: Một là, người tiêu dùng ăn hạt điều nhiều hơn; Hai là, nhà nhập khẩu thấy giá nhân điều rẻ cũng sẵn sàng mua về để tăng tồn kho trở lại.
“Giá nhân điều bây giờ rẻ hơn nhiều so với các loại hạt cạnh tranh, trong khi giá các loại hạt này đã tăng từ 25 - 30% thì giá nhân điều vẫn không tăng. Ví như, hạt hạnh nhân là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của hạt điều đã tăng 25% nhưng giá nhân điều vẫn đang nằm ở vùng đáy”, Phó chủ tịch Vinacas nói.
Tuy lượng xuất khẩu có tăng trưởng nhưng giá bán vẫn thấp, do ở Việt Nam số lượng doanh nghiệp chế biến hạt điều quá lớn, dẫn đến tình trạng tranh nhau bán hàng. Chính vì vậy, có nhiều người cho rằng, nhân điều Việt Nam bị các nhà nhập khẩu ép giá.
Trên thị trường, tâm lý của người mua luôn muốn mua rẻ, người bán thì muốn bán giá cao và hợp đồng sẽ được ký kết khi hai bên thuận mua vừa bán, trong nền kinh tế thị trường đây là chuyện bình thường không thể gọi là ép.
Nhận định về thị trường nhân điều trong thời gian tới, Phó chủ tịch Vinacas cho rằng, năm nay xuất khẩu nhân điều sẽ tăng trưởng về lượng lẫn giá bán, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng trong đó có Hoàng Sơn 1. Công ty đã ký bán có số lượng tương đương với 30.000 tấn nguyên liệu, giá bán tốt. Với sản lượng này nhà máy sẽ phải chạy hết công suất trong vòng 3 tháng mới có đủ hàng giao cho khách.
“Dựa vào nhu cầu thị trường đang tăng, tôi nghĩ giá nhân điều xuất khẩu có thể sẽ tăng từ 5-10% thậm chí là có thể cao hơn một chút”, Phó chủ tịch Vinacas nói.