Xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia tăng mạnh
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Australia, chiếm 19,8% về lượng và chiếm 21% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của Australia trong năm 2023.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn của Australia trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Với lợi thế cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này dự báo còn tiếp tục tăng trưởng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia đạt 45,15 triệu USD, tăng 18,06% so cùng kỳ năm 2023. Australia là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, sau: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 3,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Australia, chiếm 19,8% về lượng và chiếm 21% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của Australia trong năm 2023. Trong đó, tôm, cá tra và một số loài cá biển là các mặt hàng thủy sản chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Việt Nam đẩy mạnh nâng cao chất lượng các mặt hàng thủy sản trong đó có tôm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Australia.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, do cơ cấu mặt hàng thủy sản của Australia và Việt Nam không tương đồng, nên mặc dù Australia cũng là quốc gia có tiềm năng về thủy sản, nhưng nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn có chỗ đứng tại thị trường này. Trong đó, mặt hàng tôm của Việt Nam thường chiếm hơn 70% trong tổng trị giá nhập khẩu tôm của Australia. Thị phần cá tra các loại của Việt Nam cũng chiếm gần 100% tổng trị giá nhập khẩu của Australia.
Thời gian qua Australia cũng tăng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam, nhất là trái cây. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu các chủng loại quả như: xoài, nhãn, vải, thanh long... của Australia trong năm 2023 đạt 4,2 nghìn tấn, trị giá 14,5 triệu USD. Các loại quả này Australia nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, chiếm 50,6% tổng lượng nhập khẩu của Australia, đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 7,2 triệu USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 41% về trị giá so với năm 2022.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Australia là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường trái cây Australia, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Cùng đó là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng xuất khẩu sang Australia.
Trong thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất, nhập khẩu với các đối tác Australia. Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Australia phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) trong quá trình xây dựng dự thảo tài liệu Hội nghị, cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường Australia, những cơ hội, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường, đồng thời đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực, sức cạnh tranh, thương hiệu để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá Việt Nam sang thị trường Australia.
Xây dựng các chương trình, định hướng, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế quy mô lớn tại Australia, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trưng bày sản phẩm, đồng thời giao lưu kết nối, tìm kiếm các đối tác kinh doanh, hợp tác. Hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sắt thép, đồ gỗ, nội thất, mỳ ăn liền, thiết kế thi công phòng sạch y tế, đồ chơi… tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát thị trường Australia như tình hình thương mại, xuất khập khẩu, bán lẻ, cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh tại Australia.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại thường xuyên, tăng cường tìm kiếm thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, duy trì bản tin tuần, liên tục cập nhật, cung cấp thông tin mới nhanh, kịp thời lên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến, ứng dụng công nghệ của Thương vụ, kịp thời chuyển tải đến các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nắm bắt.
Trái cây cũng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu mạnh sang thị trường Australia.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các thông tin về thị trường, tình hình thương mại đầu tư, đánh giá tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Australia đối với các mặt hàng nông lâm, thuỷ sản. Ngoài ra, cũng cập nhật các chủ trương, chính sách, quy định mới của Australia đối với các loại nông sản nhập khẩu. Đồng thời hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp những giải pháp để tiếp cận thị trường cũng như những lưu ý để doanh nghiệp phòng tránh tình trạng gian lận thương mại khi hoạt động kinh doanh tại Australia.
Australia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Đại Dương và cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đến châu Đại Dương, chiếm tỷ trọng tới 88%. Trong các ngành hàng thế mạnh đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Australia, các chuyên gia đánh giá cao đối với nông sản với nhiều triển vọng để bùng nổ. Trước hết là bởi hiện nhu cầu đối với các sản phẩm nông sản như cà phê, gạo, gia vị, trái cây... của thị trường này đang ngày càng lớn. Trong khi, các mặt hàng nông sản giữa hai quốc gia không có sự trùng lắp.
Bên cạnh đó còn có lợi thế về các tuyến vận tải thương mại bằng đường thủy và đường hàng không… Đặc biệt, nhờ việc Việt Nam và Australia cùng là thành viên của nhiều FTA song phương và đa phương sẽ đem lại nhiều ưu đãi về thuế quan, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt tại Australia. Để mở rộng cánh cửa cho nông sản Việt vào Australia, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Xây dựng, phát triển và kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản. Bản thân doanh nghiệp cần nhanh chóng có kế hoạch nâng cao chất lượng hàng hóa một cách bền vững, đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhập khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư gia tăng tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến, nâng cao chất lượng cho các mặt hàng nông sản.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn lớn của Australia để chuyển giao mô hình công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Australia phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam như công nghệ chế biến, công nghệ tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống.... Đặc biệt sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối bán buôn, bán lẻ của Australia, góp phần đưa hàng nông sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Nguyễn Mai