Vì sao matcha ngày càng được ưa chuộng?
Trà matcha là thức uống được người Nhật ưa chuộng vì nó giúp làm chậm tốc độ lão hóa, ngăn ngừa một số bệnh, giữ cho cơ thể hoạt động tốt và giúp tăng tuổi thọ.
Trong những năm gần đây, khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chế độ ăn uống cân bằng và sức khỏe tổng thể, xu hướng lựa chọn thực phẩm và đồ uống có ý thức đã trở nên phổ biến. Nhiều người tích cực tìm kiếm các sản phẩm giàu dinh dưỡng và tự nhiên. Trong bối cảnh này, matcha nổi bật nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao, đặc biệt là catechin, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra.
Có nguồn gốc từ Nhật Bản hàng trăm năm trước, matcha được làm từ cây trà xanh thông thường (Camellia Sinensis) nhưng được trồng và thu hoạch theo cách khác biệt. Nếu như những loại trà khác được trồng và thu hoạch dưới ánh nắng mặt trời, thì matcha được chuyển vào trong khu vực bóng râm một thời gian trước khi thu hoạch (thường khoảng ba tuần).
Thiếu ánh sáng mặt trời khiến cây phản ứng bằng cách tăng cường lượng chlorophyll để hấp thụ nhiều ánh sáng hơn. Điều này dẫn đến hàm lượng chất chống oxy hóa của matcha cao hơn, màu sắc tươi sáng hơn và hương vị cân bằng hơn so với trà xanh thông thường.
Để nhận biết chất lượng của matcha người ta thường dựa vào màu sắc của chúng. Matcha cao cấp sẽ có màu xanh lục nhạt, matcha cấp thấp hơn sẽ có màu vàng nâu phổ biến.
Ở Nhật Bản, người ta sử dụng quy tắc ngón tay cái để phân loại màu matcha: màu xanh lá cây thông (xanh đậm, xanh xanh) hoặc xanh tre (xanh nhạt hơn, hơi vàng), trong đó màu xanh lá cây thông là cấp độ cao hơn.
Sự khác biệt này xuất phát từ thực tế là chỉ có cặp lá non nhất, trên cùng ở thân trà được hái thủ công để sản xuất matcha cao cấp theo phương pháp gọi là Niyou Tsumi (hái 2 lá) làm cho trà có màu xanh lục.
Trung bình, một tách matcha chứa khoảng 70mg caffeine. Tuy nhiên, caffeine trong matcha được giải phóng chậm hơn, mang lại cảm giác tỉnh táo kéo dài và nhẹ nhàng hơn. Điều này là do axit amin L-Theanine, giúp giảm tốc độ hấp thụ caffeine của cơ thể.
Sự phổ biến toàn cầu của matcha đã dẫn đến nhu cầu tăng đối với các sản phẩm matcha của Nhật Bản ở nước ngoài, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng tại Nhật Bản. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, xuất khẩu matcha và các loại trà xanh khác của Nhật Bản tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,1 tỷ Yên trong tháng 1 - 5/2023.
Thị trường matcha toàn cầu đạt giá trị gần 2.862,61 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,45% kể từ năm 2018, theo The Business Research Company. Thị trường matcha dự kiến sẽ tăng trưởng từ 2.862,61 triệu USD vào năm 2023 lên 4.693,05 triệu USD vào năm 2028 với tốc độ 10,39%. Tiếp đó, thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng với CAGR là 11,56% từ năm 2028 và đạt 8.111,35 triệu USD vào năm 2033.
Dự kiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm thị phần lớn nhất do sản lượng sản phẩm cao ở Nhật Bản và Trung Quốc, theo nghiên cứu từ Fortune Business Insights. Ngoài để uống, bột matcha còn được sử dụng để làm các món ăn nhẹ như bánh que Pocky và sô cô la KitKats. Fortune Business Insights cũng cho biết, Bắc Mỹ dự kiến sẽ có mức tăng trưởng đáng kể trong tiêu thụ matcha, do xu hướng lối sống lành mạnh của người tiêu dùng và nhận thức về lợi ích từ matcha.
Số lượng người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe ngày càng tăng và lối sống thay đổi được dự kiến sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Matcha phù hợp với xu hướng này như một loại trà tự nhiên, không qua chế biến, được liên kết với các lợi ích sức khỏe tiềm năng.
Một số nghiên cứu cho thấy việc uống matcha thường xuyên có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn. Một khảo sát về tiềm năng điều trị của trà matcha được công bố bởi Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2023 cho biết việc tiêu thụ trà matcha đã được liên kết với kết quả chuyển hóa tim mạch và lợi ích sức khỏe ấn tượng.