VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản năm 2024 ở mức 9,5 tỉ đô
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra những đánh giá về triển vọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024 sau một năm 2023 đầy khó khăn.
VASEP nhận định, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát giảm nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu của các nước, lãi suất cao... vẫn là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, người tiêu dùng sẽ chưa thực sự mạnh tay trong quyết định chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu khó tăng mạnh.
Với những tín hiệu từ cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc... có khả năng phục hồi trở lại trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu hàng thủy sản.
Thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức đối với xuất khẩu hải sản, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lý do EC chưa thể gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam là vì “Vấn đề mấu chốt kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương. Đến nay vẫn còn rất hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU. Vẫn chưa kiểm soát được tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử phạt hành vi vi phạm thiết bị giám sát hành trình (VMS), vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài rất yếu kém; chế tài xử lý đối với các DN gian lận chưa nghiêm khắc. Cho nên hiện tại, chưa thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam”.
Trong lần kiểm tra lần thứ 4 về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU hồi tháng 10, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả tổ chức thực hiện tại địa phương vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trong năm 2023 đã giảm so với năm 2022 nhưng chưa chấm dứt. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất mà EC khuyến nghị Việt Nam cần khắc phục triệt để.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn ghi nhận tại Kiên Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang. Nhiều tàu đã bị xử phạt tới gần 1 tỷ đồng mỗi tàu.
Tuy nhiên, tỷ lệ xử phạt/số tàu vi phạm vẫn còn thấp. Trong khi tỷ lệ này theo khuyến nghị phải là 100%. Đây cũng là khuyến nghị quan trọng nhất tại đợt thanh tra lần này, để EC xem xét gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.
Dự kiến đến tháng 4/2024, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trở lại lần thứ năm và đưa ra quyết định về việc có gỡ hay không đối với cảnh báo “thẻ vàng” cho sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Việt Nam còn 4 tháng nữa để hành động và đây là cơ hội quan trọng cho những nỗ lực của các ngành chức năng, nhằm mở đường cho thủy hải sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Về thị trường, VASEP nhận định rằng phục hồi của nhu cầu có thể diễn ra chậm, và có khả năng xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn đối với Mỹ nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD) do xu hướng tăng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. Tại Trung Quốc, mặc dù có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhưng với mức giá thấp, đây sẽ là thách thức trong cạnh tranh.
Đối với mặt hàng tôm, Việt Nam tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung. Tình trạng dư cung có thể vẫn diễn ra đến nửa đầu năm (sản lượng tôm thế giới dự kiến tăng 4,8%, lên 5,9 triệu tấn). Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần tại Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời mở rộng xuất khẩu tôm chế biến mặc dù tỷ trọng vẫn khiêm tốn.
Về mặt hàng cá tra, VASEP cho rằng, tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm fillet đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.
VASEP dự báo rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có sự hồi phục dần trong năm 2024 và có triển vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm. Với sự thích nghi và điều chỉnh với bối cảnh thị trường, dự kiến doanh số xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục trong khoảng từ 9,5 tỷ USD đến 10 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 3%-8% so với kết quả thực hiện trong năm 2023.
Tiến Hoàng