Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng tốc trở lại trong tháng 4
Tháng 4 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với giá trị phát hành đạt gần 39.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lực đẩy từ nhóm ngân hàng và bất động sản.
Theo báo cáo từ VIS Rating, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2025 đã có bước nhảy vọt khi tổng giá trị phát hành mới đạt khoảng 39.000 tỷ đồng – tăng tới 126% so với tháng trước. Động lực chính đến từ các đợt phát hành riêng lẻ, đặc biệt là của khối ngân hàng với hơn 21.800 tỷ đồng và nhóm bất động sản với 12.000 tỷ đồng.

Dù thị trường vẫn vận hành dựa trên Luật Chứng khoán 2019 nhờ điều khoản chuyển tiếp, một số doanh nghiệp đã bắt đầu điều chỉnh để thích ứng với yêu cầu trong tương lai. Đáng chú ý, đã xuất hiện hai tổ chức phát hành áp dụng xếp hạng tín nhiệm, trái phiếu có tài sản đảm bảo và được bảo lãnh thanh toán – những yếu tố cốt lõi giúp đảm bảo tính thanh khoản và khả năng lưu hành trên thị trường cho nhà đầu tư chuyên nghiệp từ năm 2026 trở đi.
Trong khi đó, trái phiếu phát hành ra công chúng lại có diễn biến trầm lắng. Tháng 4 chỉ ghi nhận một đợt phát hành công chúng với quy mô 4.000 tỷ đồng – giảm mạnh 73% so với tháng trước. Đợt phát hành này thực chất đã được cơ quan quản lý phê duyệt từ cuối năm ngoái. VIS Rating nhận định, xu hướng sụt giảm này có thể sẽ kéo dài cho tới khi các quy định mới về chào bán công khai chính thức có hiệu lực.
Về quy mô thị trường, tính đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 1,28 triệu tỷ đồng – tăng nhẹ 1,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, thị trường thứ cấp lại có dấu hiệu hạ nhiệt khi thanh khoản giảm mạnh. Giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày chỉ đạt khoảng 3.800 tỷ đồng, giảm 40% so với tháng 3. Giao dịch chủ yếu xoay quanh trái phiếu bất động sản, trong đó hơn một nửa khối lượng được mua bán là các mã còn kỳ hạn từ 2 đến 4 năm.
Liên quan đến vấn đề trả nợ, tháng 4 không ghi nhận thêm trường hợp chậm trả gốc hoặc lãi mới. Tỷ lệ chậm trả tích lũy tính theo giá trị mệnh giá toàn thị trường đã giảm nhẹ xuống còn 14%, tương đương mức giảm 0,6 điểm phần trăm. Tuy nhiên, trong số 17 mã trái phiếu sẽ đáo hạn trong tháng 5 tới, có đến 7 mã được phát hành bởi các doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng yếu, bao gồm 3 mã từng chậm trả lãi coupon trước đó.
Hoạt động xử lý nợ quá hạn cũng ghi nhận chuyển biến tích cực. Tháng 4 có 4 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần nợ gốc quá hạn với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng – giảm mạnh 76% so với tháng 3. Bên cạnh đó, giá trị trái phiếu quá hạn chưa có phương án xử lý cũng giảm thêm 1.300 tỷ đồng, giúp tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả nhích lên mức 30,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
B.N