Thị trường trái phiếu: Áp lực nợ xấu, đến hạn khiến nhà đầu tư thận trọng
Dù có lãi suất cao hơn gấp 2, 3 lần so với lãi suất tiết kiệm nhưng kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa khởi sắc trong 2 tháng đầu năm. Theo các chuyên gia, áp lực nợ xấu, đến hạn năm 2024 khiến nhà đầu tư thận trọng trong ngắn hạn.
Về dài hạn, việc ngày càng minh bạch và phát triển bền vững hơn sau khi có những thay đổi về quy định pháp lý, đem lại những tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư.
Thị trường đón nhiều tín hiệu tích cực
Theo thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng đầu năm đã có 11 doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Khối lượng trái phiếu phát hành 7,25 nghìn tỷ đồng, gấp 8,2 lần cùng kỳ năm 2023. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ nên nhà đầu tư kỳ vọng thị trường này khởi sắc trở lại.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 52%, doanh nghiệp xây dựng chiếm 24% trái phiếu phát hành. Lãi suất phát hành bình quân 10,26%/năm. Kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân 5,5 năm. Có tới 52,4% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.
Đơn cử như tại báo cáo kết quả phát hành lô trái phiếu HAHH2328001 phát hành ngày 29/12/2023 và kết thúc ngày 2/2/2024, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cho biết, khối lượng phát hành thành công là 500 trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu có sự tham gia 100% là các quỹ đầu tư, gồm Japan South East Asia Finance Fund II L.P. (JSEAFF); Daiwa-SSIAM VietNam Growth Fund III L.P. (DSVGF); VietNam Growth Investment Fund L.P. (VGIF); Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI.
Chất lượng nhà đầu tư tốt lên khi có gần 81% khối lượng trái phiếu do nhà đầu tư tổ chức trong nước mua (nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 6,2%, nhà đầu tư cá nhân mua 13%).
Hiện đã có 465 mã niêm yết với quy mô giao dịch bình quân tháng 2/2024 đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 40,9% so với năm 2023.
Đã có 936 mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống đã công bố trên Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Các mã trái phiếu này của 266 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt 652,9 nghìn tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân đạt 2,2 nghìn tỷ đồng/phiên.
Còn theo báo cáo phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán MB (MBS), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế từ đầu năm 2024 đạt tổng giá trị hơn 9.400 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, lãi suất bình quân đạt 11,1%, cao hơn so với mức trung bình 8% của năm 2022.
Sắp tới, có 2 đợt phát hành chú ý là Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu và Ngân hàng Bản Việt (BVB) có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ 5.600 tỷ đồng chia thành 6 đợt.
Về hoạt động mua lại, lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, hơn 6.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 58% so với cùng kỳ. Ước tính cả năm, sẽ có hơn 279.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu ngành bất động sản với gần 116.000 tỷ đồng, chiếm 41,4%.
Trước đó, năm 2023 có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 235,9 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng mua lại 230 nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 5,8% so với năm 2022.
Áp lực nợ xấu, đến hạn vẫn khiến nhà đầu tư thận trọng
Nhìn nhận và đánh giá thị trường, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho biết, nhiều doanh nghiệp trong các ngành như hạ tầng, cấp nước, điện rác, xử lý rác thải hay logistics, hàng tiêu dùng và sản xuất có kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2024. FiinRatings đang tham gia xếp hạng tín nhiệm hoặc đánh giá tín dụng một số lô trái phiếu có kỳ hạn lên tới 15 và thậm chí 20 năm - đây được xem là điểm nhấn để kỳ vọng và khẳng định tầm quan trọng của kênh huy động trái phiếu trong những năm tiếp theo.
Còn bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán HSC chia sẻ, các nhà đầu tư tổ chức trong nước, các quỹ đầu tư nội và tự doanh được dự báo gia tăng giải ngân vào các cơ hội đầu tư mới. Đặc biệt, nhóm các công ty bảo hiểm, công ty tài chính thường đầu tư chủ đạo vào kênh trái phiếu chính phủ có lợi suất giảm đi trong môi trường lãi suất thấp.
Môi trường lãi suất thấp là nhân tố chính giúp nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu cải thiện hơn. Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, sự phục hồi ban đầu đến phần nhiều từ nhà đầu tư tổ chức, với tiêu chí các doanh nghiệp phát hành phải có sự minh bạch thông tin và triển vọng về dòng tiền trả nợ rõ ràng. Tính pháp lý của tài sản đảm bảo cũng là yếu tố được xem xét cẩn trọng khi các nhà đầu tư tổ chức muốn rót tiền vào thị trường trái phiếu. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, sự phục hồi sẽ ở mức thận trọng hơn khi đây là những người chịu ảnh hưởng mạnh nhất sau cú sốc vào cuối năm 2022.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế với dư địa phát triển (quy mô thị trường dự kiến đạt 20% và 25% GDP lần lượt vào năm 2025 và năm 2030 so với mức 12% hiện tại). Không thể phủ nhận, trái phiếu doanh nghiệp đã và đang là kênh huy động vốn dài hạn tốt cho doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp dự báo kéo dài đến giữa năm 2024, nhu cầu giải ngân vẫn tương đối lớn.
Thời gian gần đây, áp lực nợ xấu, trái phiếu đến hạn năm 2024 khiến nhà đầu tư thận trọng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng minh bạch và phát triển bền vững hơn sau khi có những thay đổi về quy định pháp lý, đem lại những tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau nhiều thay đổi của thị trường, các nhà đầu tư có những kinh nghiệm nhất định và có xu hướng chuyển dịch về các đợt phát hành trái phiếu có chất lượng tốt. Các tổ chức phát hành đáp ứng được các yếu tố minh bạch về cung cấp thông tin luôn được ưu tiên lựa chọn với việc đáp ứng yếu tố tiếp cận đầy đủ thông tin về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh để giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác hơn về khả năng trả nợ và rủi ro của doanh nghiệp.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại, yếu tố lớn nhất vẫn là sự minh bạch của thị trường và cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong trường hợp trái phiếu chậm trả gốc hoặc tổ chức phát hành gặp vấn đề. Đối với các công ty chứng khoán, có thể phải yêu cầu thêm điều khoản về tuân thủ đạo đức và trách nhiệm khi công ty chứng khoán đó là tổ chức tư vấn phát hành, đồng thời là tổ chức phân phối trái phiếu.
Hồng Quang