Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Năm 2024: Dự báo còn nhiều khó khăn?
Bước sang năm 2024, nền tảng lãi suất thấp cả trên thế giới và trong nước sẽ làm tăng tính hấp dẫn của các kênh tài sản rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp. Kết hợp với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.
Ông Nguyễn Bá Khương - Chuyên gia Phân tích Vĩ mô, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, khi áp lực đáo hạn năm 2024 vẫn rất lớn, đặc biệt là nhóm bất động sản và niềm tin của nhà đầu tư chưa thực sự quay lại mạnh mẽ. Kỳ vọng hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ phục hồi từ cuối năm 2024, khi thành viên tham gia dần quen với các quy định mới và nhu cầu vốn của doanh nghiệp gia tăng khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi.
Theo ông Khương, áp lực đáo hạn trong năm 2023 là lớn nhất từ trước đến nay, với tổng giá trị đáo hạn (đã loại trừ số TPDN riêng lẻ được mua lại trước hạn và lượng trái phiếu được gia hạn kỳ hạn) ước khoảng hơn 213 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so với tổng giá trị đáo hạn trong năm 2022. Trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn khiến áp lực TPDN riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 càng gia tăng.
Đồng thời, niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân đối với thị trường TPDN chưa thực sự phục hồi khi mà kể từ quý IV/2022 số lượng các tổ chức phát hành chậm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu vẫn còn gia tăng.
Bước sang năm 2024, nền tảng lãi suất thấp cả trên thế giới và trong nước sẽ làm tăng tính hấp dẫn của các kênh tài sản rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp. Kết hợp với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện, ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating - kỳ vọng thị trường này đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT, ở những thị trường trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, sau những đổ vỡ của phân lớp tài sản như trái phiếu sẽ cần 3 - 5 năm để phục hồi niềm tin, đi theo sẽ cần sự phục hồi của nền kinh tế.
Ông Tuấn dự báo thị trường trái phiếu năm nay sẽ có nhiều màu hồng hơn nhưng để chính thức phục hồi sẽ phải rơi vào năm 2025 trở đi khi những vấn đề nội tại của doanh nghiệp, tắc nghẽn sẽ về dòng vốn trong bất động sản được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài sẽ gây áp lực lên thị trường trái phiếu cũng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) - cho biết: "Ước tính giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý IV/2023 và năm 2024 lần lượt là 12.172 tỉ đồng và 125.305 tỉ đồng, giảm 29% và 5% so với trước khi mua lại.
Ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỉ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp này thì chúng ta thấy rằng niềm tin trở lại và chúng ta kỳ vọng là với những giải pháp cụ thể, với sự hồi phục trở lại của nền kinh tế thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ tiếp tục giữ được và có tăng trưởng bền vững và thực chất. Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước cả đối với các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ. Đấy là kỳ vọng cho năm 2024 đối với thị trường trái phiếu”.
Về thị trường cổ phiếu, liên quan đến mặt pháp lý, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành sửa Nghị định số 155 và Nghị định số 156, cũng như Nghị định số 128 hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng như xử phạt vi phạm hành chính để có công cụ, khuôn khổ pháp lý thực hiện. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 69 quy định lại lộ trình sắp xếp các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các thị trường khác.
Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng được tập trung nguồn lực để thực hiện. “Trong năm 2023, chúng tôi đã tiến hành 67 đoàn kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 37,2 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp kịp thời với Ủy ban Chứng khoán thực hiện kiểm tra, nhiều công ty kiểm toán được chấp thuận tổ chức rà soát, báo cáo tài chính về kiểm toán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, các kiểm toán viên để đảm bảo chấn chỉnh thị trường” - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Về công tác tái cấu trúc thị trường, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh lọc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ yếu kém không hiệu quả. Trong năm 2023, đã xử lý vi phạm 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát và 2 công ty chứng khoán vào diện cảnh báo.
“Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu về giao dịch rồi chuyển nhượng và nhà đầu tư, kết nối dữ liệu nhà đầu tư với cơ sở dữ liệu công dân để quản lý cũng như giám sát thị trường chứng khoán” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Về kết quả, chỉ số VN-Index đến 29/12 là 1.129 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2022, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt là 17.500 tỷ đồng một phiên và quy mô vốn hóa thị trường ước đạt 6.000.000 tỷ và tăng 9,5% so với năm 2022, tương đương vào khoảng 62% GDP năm 2022.
Bộ Tài chính cam kết duy trì để thị trường vận hành một cách liên tục và an toàn, đồng thời tiếp tục tập trung giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường chứng khoán.
Tiến Hoàng