Thị trường BĐS được dự báo sẽ sôi động vào cuối năm
Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ liên tục có các động thái nhằm tháo gỡ vướng cho thị trường địa ốc. Nhiều chính sách được ban hành nhằm góp phần khơi thông về pháp lý cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản.
Theo các chuyên gia dự báo, phải đến tận quý cuối cùng của năm 2023 thì thị trường mới ấm dần khi những chính sách gỡ vướng cho bất động sản (BĐS), trái phiếu được triển khai thực tế và bắt đầu phát huy hiệu quả.
Báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2023 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong quý II/2023 thị trường diễn biến tích cực hơn quý đầu năm nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”.
Bên cạnh đó, Nguồn vốn – Quỹ đất – Chính sách tạo thế kiềng ba chân, nhưng hiện không phải là trụ đỡ giúp thị trường vực dậy mà đang như trụ lưới bủa vây thị trường, khiến thị trường chưa thể thoát ra được. Xác định đúng vị trí các điểm nghẽn và xử lý theo đúng trình tự vẫn là yếu tố cốt lõi. Bởi lẽ, nếu điểm nghẽn trước chưa thông thì việc thông điểm nghẽn sau về bản chất không giải quyết được vấn đề”.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khó có sự phục hồi sớm lạc quan từ nay đến cuối năm 2023. Đến năm 2024, ông Hiển phân tích, trong tình hình kinh tế có sự phục hồi, xuất khẩu ổn định và nền kinh tế thị trường nội địa thuận lợi, bất động sản sẽ tan băng. Nhưng theo vị chuyên gia này, sự hồi phục chỉ xảy ra ở khu vực đông dân cư, nơi có đầu tư khai thác tốt.
Mặc dù thừa nhận các động thái của Chính phủ đang tác động tích cực đến thị trường địa ốc song ông Hiển nhấn mạnh, chúng ta không thể đòi hỏi Chính phủ hành động để cho thị trường bất động sản tăng trưởng ngay lập tức. Vấn đề cần hiện tại là ổn định hệ thống tài chính trước, ngoài ra cần có một nhịp điều chỉnh về lãi suất. Ông Hiển kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện thị trường mới vào đầu năm 2024.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự báo từ quý IV-2023, đà phục hồi của thị trường mới rõ nét hơn. Đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường phát huy hiệu quả.
Theo ông Lực, nửa cuối năm 2023 cần đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi, phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân… chú trọng điều tiết cung - cầu BĐS. Quy định phân nhóm phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có lộ trình đánh thuế phù hợp, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch BĐS.
Để cứu mình, các DN cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu DN đáo hạn, nhất là giai đoạn 2023-2024. Đa dạng hóa nguồn vốn, ngoài tín dụng ngân hàng còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính… Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. DN cần hạn chế đầu tư dàn trải, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…
Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm BĐS Căn Nhà Mới, cho rằng thị trường sẽ giao dịch tốt lên vào khoảng quý IV-2023 hoặc muộn hơn là quý II-2024. Điều kiện là các chính sách Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ thị trường BĐS thẩm thấu và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường.
Theo đánh giá chung của ông Vũ, thị trường nửa cuối năm 2023 vẫn rất khó khăn, giao dịch ít. Để thị trường phục hồi sôi động trở lại phải đến nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân là những chính sách về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS hay các gói tín dụng cho vay NƠXH, nhà ở cho công nhân cũng cần có độ trễ, thời gian triển khai thực hiện trong thực tế.
“Tuy nhiên, thời điểm nửa cuối năm 2023 vẫn là thời điểm cực kỳ tốt cho các nhà đầu tư mua vào. Phân khúc đầu tư nhà phố, căn hộ vẫn chiếm chủ đạo của thị trường. Trong khi đó, đất nền sẽ tiếp tục ảm đạm giao dịch, chỉ những thị trường vùng ven TP.HCM sẽ phục hồi vào năm 2024” - ông Vũ cho biết.
Tiến Hoàng