0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 25/08/2023 15:53 (GMT+7)

'Ôm' nhiều công trình trọng điểm, bức tranh lợi nhuận CC1 không được tích cực như doanh thu

Theo dõi KT&TD trên

Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP liên tiếp trúng nhiều hợp đồng trọng điểm quốc gia với giá trị lớn. Điều đáng ngại là lợi nhuận của Công ty chưa tăng tương xứng với tốc độ tăng doanh thu, dòng tiền vẫn còn ghi nhận mức âm do chưa lấy được công nợ từ khách hàng và đối tác.

Liên tiếp trúng hàng chục gói thầu

Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP được biết đến là một trong những nhà thầu lớn tại Việt Nam khi sở hữu nhiều dự án xây dựng nổi bật như: cầu Thủ Thiêm, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Bệnh viện nhi đồng TPHCM, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, tổ hợp hóa dầu Long Sơn, nhà máy dệt Nam Định, khu đô thị King Crown Infinity, Dream City Hưng Yên…

Các dự án dân dụng và công trình được triển khai trong năm 2022 được CC1 liệt kê tại báo cáo thường niên năm 2021 như: Dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng trạch 1 với giá trị hợp đồng lên tới 5.200 tỷ đồng; Dự án NĐNĐ Vũng Áng 2 giá trị 348 tỷ đồng,…

Ôm nhiều công trình trọng điểm bức tranh lợi nhuận CC1 không được tích cực như doanh thu

Trong thời gian gần đây, CC1 đã và đang tham gia thi công nhiều dự án trọng điểm có giá trị lớn như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Gói thầu số 4 - Dự án Nâng cấp Quốc lộ 5 tại Vương Quốc Campuchia,…

Bên cạnh lĩnh vực xây dựng, CC1 cũng là Chủ đầu tư của nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và dân dụng theo hình thức PPP (BT, BOT,…) thông qua các công trình tiêu biểu như: Cao ốc Sailing Tower, Khu dân cư Hạnh Phúc, Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Cầu Đồng Nai mới và tuyến giao thông ở hai đầu cầu,...

Ôm nhiều công trình trọng điểm bức tranh lợi nhuận CC1 không được tích cực như doanh thu

Theo danh sách được Chứng khoán VNDirect thống kê từ Bộ GTVT, trong số 25 gói thầu đầu tiên thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP là doanh nghiệp có giá trị các gói thầu tham gia thực hiện cao nhất. Theo đó, CC1 tham gia tới 4 liên danh, đảm nhận bốn gói thầu ở các đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Tổng giá trị các gói thầu này vào mức 19.430 tỷ đồng.

Mới đây nhất, CC1 là một trong 10 doanh nghiệp nằm trong liên danh VIETUR trúng gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách (Gói thầu 5.10) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, giai đoạn 1.

Lợi nhuận ngược chiều doanh thu

Đầu tư loạt dự án lớn, trúng hàng chục gói thầu trong giai đoạn từ 2018 - 2022, doanh thu CC1 ghi nhận 5.700 tỷ đồng - 6.900 tỷ đồng/năm và hầu hết tăng trưởng qua các năm. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, chỉ duy nhất năm 2021 báo lãi tăng trưởng, các năm còn lại lợi nhuận đều đi lùi.

Ôm nhiều công trình trọng điểm bức tranh lợi nhuận CC1 không được tích cực như doanh thu

Cụ thể, năm 2019 lợi nhuận của CC1 đạt 90,7 tỷ đồng, năm 2020 chỉ còn báo lãi 39,7 tỷ đồng. Sau khi tăng mạnh vào năm 2021, thì năm 2022 CC1 báo lãi sau thuế còn 222 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm trước đó.

Với hợp đồng xây dựng, CC1 đang ghi nhận doanh thu và chi phí liên quan đến dự án tương ứng với phần công việc đã được nghiệm thu hoàn thành tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán. Do đó trong giai đoạn triển khai dự án, phần lợi nhuận thực tế ghi nhận không đáng kể.

Không chỉ lợi nhuận đi lùi, dòng tiền kinh doanh trong 3 năm liên tiếp (2020 – 2022) liên tục âm cũng là vấn đề lưu tâm trong bức tranh tài chính của CC1. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CC1 âm chủ yếu do chưa lấy được công nợ từ khách hàng và đối tác.

CC1 có tổng nợ phải trả lớn nếu so với vốn chủ sở hữu, cao gấp 4-5 lần. Công ty đã tăng vốn gấp đôi trong năm 2022 giúp tỷ lệ nợ trên vốn được rút ngắn. Tuy nhiên, điều này không giảm quy mô nợ của doanh nghiệp.

Ôm nhiều công trình trọng điểm bức tranh lợi nhuận CC1 không được tích cực như doanh thu

Chi phí lãi vay của CC1 cũng có xu hướng 'phình to' khi đơn vị này tích cực vay nợ. Dư nợ vay và thuê tài chính ngắn và dài hạn của CC1 đã từ mức hơn 4.100 tỷ đồng (cuối năm 2018) lên hơn 6.700 tỷ đồng (cuối năm 2022). Trong đó, dư nợ trái phiếu của công ty tính đến cuối năm 2022 là 2.639 tỷ đồng.

Đây đều là các lô trái phiếu không chuyển đổi, lãi suất cố định áp dụng cho các kỳ tính lãi là 10%/năm, kỳ hạn 3 năm. CC1 đã sử dụng quyền sở hữu, quản lý vận hành, khai thác cao ốc Sailing Tower làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu trên.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã giúp CC1 nâng tổng tài sản lên gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, một phần vốn lớn bị chiếm dụng.

Cụ thể, các khoản phải thu và các khoản trả trước cho người bán nhiều năm liền duy trì ở con số hàng nghìn tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2022, khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng và trả trước ngắn hạn (cho người bán) ghi nhận 6.091 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với khoản mục nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tại cùng thời điểm.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết 'Ôm' nhiều công trình trọng điểm, bức tranh lợi nhuận CC1 không được tích cực như doanh thu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.