0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 25/08/2023 07:38 (GMT+7)

Nợ 'ngập đầu', liệu CC1 có đảm bảo tài chính để thực hiện gói thầu 5.10 sân bay Long Thành?

Theo dõi KT&TD trên

Là một trong 10 công ty nằm trong liên danh Vietur - nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 (trị giá 35.000 tỷ đồng) của Sân bay quốc tế Long Thành, năng lực của Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (UPCoM: CC1) đang trở thành tâm điểm của thị trường.

Đặc biệt là khi 'ông lớn' ngành xây dựng này đang cho thấy nhiều vấn đề về hiệu quả kinh doanh và chất lượng tài sản.

Chất lượng lợi nhuận thấp

Để đánh giá chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp có thể dựa vào các tiêu chí: lợi nhuận phải phản ánh đúng tình hình kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; lợi nhuận có mang tính bền vững và có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định chứ không phải lợi nhuận chỉ phát sinh một lần.

Tại CC1, dù doanh thu và lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng qua các năm, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm và ở mức thấp cho thấy sự đi xuống của hoạt động cốt lõi. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng phần lớn nhờ hoạt động tài chính.

Quý 2/2023, CC1 ghi nhận doanh thu thuần 1.236 tỷ đồng và lãi gộp 109 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 8% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp chỉ ở mức 8,8%. Doanh thu tài chính giảm 20% xuống 76,7 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay tăng 21% lên 125 tỷ đồng.

Nợ ngập đầu thiếu hụt dòng tiền liệu CC1 có đảm bảo tài chính để thực hiện gói thầu 510 sân bay Long Thành

Đáng chú ý, CC1 ghi nhận chi phí thuế hiện hành hơn 10 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Kết quả, CC1 lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý 2/2023, trong khi cùng kỳ lãi 13 tỷ đồng.

Trước đó, khoản lãi lớn trong năm 2022 của CC1 chủ yếu đến từ việc bán các khoản đầu tư, bán tài sản cố định, cổ tức được chia từ Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk R’tih và Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Nhà Cửu Long cũng như khoản thu tiền phạt hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Vay mượn chồng chất

Lãi vay quá cao cũng đang là gánh nặng, bào mòn lợi nhuận của CC1. Tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ phải trả của CC1 giảm hơn 9% so với đầu năm xuống 10.362,7 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 4.052 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 2,56 lần.

Đại hội đồng cổ đông 2023 của CC1 đã thông qua việc phát hành hơn 259 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.885 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này chỉ làm giảm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chứ không giảm quy mô nợ của doanh nghiệp.

Cuối quý 2, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CC1 ở mức 6.628 tỷ đồng. Trong đó, Công ty có tới hơn 2.625 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm là hơn 125 tỷ đồng.

Nợ ngập đầu thiếu hụt dòng tiền liệu CC1 có đảm bảo tài chính để thực hiện gói thầu 510 sân bay Long Thành

Sự gia tăng về tỷ trọng của các khoản phải thu cũng là một trong những biểu hiện cho thấy chất lượng tài sản của CC1 đang diễn tiến theo chiều hướng xấu đi. Các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của CC1 lên đến 8.085, vượt quá 56% tổng tài sản.

Kết quả là dòng tiền kinh doanh của CC1 đang âm 814 tỷ đồng, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm 501 tỷ đồng. Tăng cường vay nợ giúp dòng tiền từ hoạt động tài chính vẫn dương 574 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền thuần trong kỳ âm tới 742 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 392 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm về còn 896 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, ngày 23/8, Tổ Công tác Liên ngành sẽ bắt đầu rà soát một số nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan đến kiến nghị của nhà thầu về Gói thầu 5.10 - xây dựng Nhà ga Hành khách Sân bay Long Thành.

Cụ thể, Tổ Công tác Liên ngành gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sẽ bắt đầu tiến hành rà soát một số nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan đến kiến nghị của nhà thầu về Gói thầu 5.10 tại trụ sở của bên mời thầu (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam).

Trước khi mở hồ sơ năng lực tài chính của các nhà thầu, ACV đã tiến hành chấm điểm hồ sơ năng lực của các nhà thầu đã nộp hồ sơ tham gia gói thầu 5.10. Theo đó, ACV đã lựa chọn được liên danh nhà thầu Vietur đạt yêu cầu về kỹ thuật. Đứng đầu liên danh này là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas của Thổ Nhĩ Kỳ. Các thành viên còn lại gồm Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Theo Luật Đấu thầu, nếu liên danh Vietur vượt qua bước đánh giá về tài chính, lúc đó chủ đầu tư sẽ công bố kết quả gói thầu.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết Nợ 'ngập đầu', liệu CC1 có đảm bảo tài chính để thực hiện gói thầu 5.10 sân bay Long Thành?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.