0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 10/07/2024 21:08 (GMT+7)

Ngành đồ uống: Nỗ lực phục hồi sau nhiều thách thức

Theo dõi KT&TD trên

Với những thách thức kép đến từ tình hình thế giới và khu vực, các doanh nghiệp đồ uống, đặc biệt là các nhà sản xuất rượu bia đang đối diện với một đợt tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành này.

Nhiều khó khăn, thách thức

Công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính tại thời điểm 30/6/2024, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9% (bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%).

Ngành đồ uống: Nỗ lực phục hồi sau nhiều thách thức - Ảnh 1

Mặc dù tỷ số tồn kho bình quân toàn ngành có xu hướng giảm nhưng chỉ số tồn kho của ngành đồ uống lại đang có xu hướng tăng và là mặt hàng có tỷ lệ tồn kho cao nhất hiện nay. Cụ thể, chỉ số tồn kho ngành đồ uống đã đạt 128,9% so với cùng thời điểm năm trước, tăng gần 28,9%. Trong khi đó, ngành sản xuất thực phẩm chỉ tăng 13,6%. Các ngành khác (sản xuất thuốc lá, dệt, sản xuất trang phục…) chỉ số tồn kho đều giảm so với cùng thời điểm năm trước (ngành thuốc lá giảm 0,6% , dệt giảm 23,3%, trang phục giảm 4,4%…)

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lợi nhuận thuần của toàn ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống chỉ sau 01 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 đã giảm tới 67%.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước Giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2023 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các DN bia.

Theo đó, HEINEKEN Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023; SABECO có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của DN tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm; HABECO phản ánh, năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động; HALICO liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, nên đến cuối năm 2023, Halico đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng... Một số DN đã ghi nhận kết quả kinh doanh âm từ Sabibeco và AB Inbev khi lỗ lần lượt 17 tỷ đồng và 170 tỷ đồng.

Khó chồng khó

Theo VBA, với đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia như trong Dự thảo, đây là cú tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế TTĐB. Đề xuất tăng thuế để tăng giá bán lên ít nhất 10% sẽ gây sốc cho thị trường và người tiêu dùng. Thực tế cho thấy các DN, kể cả vào những dịp lễ, Tết nhu cầu tiêu thụ tăng cao, DN cũng chỉ dám điều chỉnh 0,5 -1,5%. Việc tăng thuế sẽ làm tăng giá bán sản phẩm và dẫn đến giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ do độ co giãn của cầu theo giá sẽ rất nhạy cảm trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng giảm trong giai đoạn năm 2024 -2025…

Đối với nước giải khát, VBA cho rằng việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng, trong khi mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam không cao so với nhiều quốc gia khác. Và việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có tác động lớn tới đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan…

Mặt khác khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu …

Trước những khó khăn này, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước Giải khát Việt Nam (VBA) vừa chính thức đưa ra đề xuất về việc điều chỉnh và giãn cách lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thông qua Công văn số 28/CV-VBA ngày 1/7/2024 gửi đến Bộ Tài chính.

VBA nhấn mạnh rằng ngành đồ uống (bao gồm rượu, bia và nước giải khát) đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ dịch bệnh, xung đột quốc tế và các hạn chế chính sách trong thời gian qua. Những ảnh hưởng này đã dẫn đến sụt giảm đáng kể về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.Với mong muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách hợp lý, VBA đề xuất lùi thời gian hiệu lực và giảm mức thuế so với dự thảo ban đầu của Bộ Tài chính.

Theo đó, VBA đề nghị mức thuế tối đa chỉ tăng lên đến 80% vào năm 2031, thay vì 100% như đã đề xuất trước đó. VBA cũng nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến an ninh việc làm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và tác động đến người tiêu dùng do việc tăng thuế có thể dẫn đến tăng giá sản phẩm và sự chuyển đổi tiêu dùng sang các sản phẩm thay thế kém chất lượng. VBA cũng đề xuất các biện pháp cụ thể để chống hàng giả, hàng lậu và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. VBA mong muốn Bộ Tài chính có những đánh giá tác động toàn diện và khoa học nhằam xây dựng một Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu quả cao và phù hợp với tình hình thực tế của ngành đồ uống, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, khi tăng thuế sẽ tạo bất lợi và hàng rào khoảng cách giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, khi mà DN trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chi phí sản xuất lớn, thị trường thu hẹp. “Vì đây là một khung pháp lý vô cùng quan trọng đối với ngành đồ uống, nên Hiệp hội rất mong khi Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tác động xây dựng dự án Luật sẽ ưu tiên những nghiên cứu đánh giá đặt vào bối cảnh thực tế, dựa trên các cơ sở khoa học, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện…”, Công văn của VBA bày tỏ.

VBA cũng đề nghị thời điểm hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) từ năm 2027. Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để DN thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới; Đề nghị xem xét không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Bạn đang đọc bài viết Ngành đồ uống: Nỗ lực phục hồi sau nhiều thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.