0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 12/08/2023 12:13 (GMT+7)

Làm gì để “thanh lọc” thị trường thực phẩm chức năng?

Theo dõi KT&TD trên

Nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng thực phẩm chức năng (TPCN) kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn làn...

Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tài chính của người tiêu dùng, tác động xấu đến các tổ chức, cá nhân có hoạt sản xuất, kinh doanh chân chính, Phóng viên Thương Trường đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Chiêu đến từ Công ty Luật TNHH Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Làm gì để “thanh lọc” thị trường thực phẩm chức năng
Luật sư Đặng Văn Chiêu

PV: Hiện nay, trên thị trường đang lưu hành hàng trăm nghìn loại thực phẩm chức năng (TPCN). Trong đó, nhiều loại TPCN được thổi phồng công hiệu sử dụng khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận” thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm "hot" như: thực phẩm làm đẹp, giảm cân,... Theo Luật sư, đâu là nguyên nhân của thực trạng TPCN giả, nhái, kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng?

LS Đặng Văn Chiêu: Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm, hàng nghìn loại TPCN, đặc biệt là các sản phẩm làm đẹp, giảm béo, hỗ trợ, cải thiện chức năng sinh lý, hỗ trợ, cải thiện sức khoẻ… Bên cạnh những sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, còn có một số lượng lớn các loại TPCN không đảm bảo chất lượng như công bố, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là TPCN giả… đang được lưu thông và được bán trên thị trường.

Theo tôi có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, nhưng có thể kể đến những nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nói chung và các sản phẩm TPCN nói riêng chưa đáp ứng được với đòi hỏi của thực tiễn, nên chưa kiểm soát một cách có hiệu quả các loại TPCN không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đang được chào bán trên thị trường.

Hai là, khi nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ… được trú trọng dẫn đến thị trường các sản phẩm TPCN có điều kiện thuận lợi để phát triển và là thị trường có tiềm năng, có khả năng sinh lợi cao. Vì vậy, có không ít tổ chức, cá nhân vì mục tiêu lợi nhuận mà bất chấp hậu quả thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ba là, hiện nay các loại hàng hoá nói chung, các sản phẩm chức năng nói riêng, ngoài việc mua bán theo kênh truyền thống (mua, bán trực tiếp tại cơ sở kinh doanh), việc mua bán online, đặc biệt là qua mạng xã hội ngày càng phát triển. Điều này làm cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm hơn, nhưng lại gây ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, việc phát hiện và xử lý đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này chưa được kịp thời, chưa hiệu quả, chế tài chưa đủ mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng TPCN kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm trí là hàng giả vẫn còn đang tồn tại trên thị trường.

PV: Thưa Luật sư, hệ thống phát luật điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá TPCN hiện hành đã đầy đủ hay chưa? Luật sư có thể nêu một số quy định, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá TPCN?

LS Đặng Văn Chiêu: Theo tôi, rất khó có thể nói pháp luật điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN hiện hành đã đầy đủ hay chưa, nhưng tôi có thể khẳng định rằng pháp luật hiện hành đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ để điều chỉnh về lĩnh vực này. Hiện nay các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh, quảng cáo TPCN được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như: Pháp luật về doanh nghiệp (quy định về các chủ thể kinh doanh, điều kiện gia nhập thị trường đầu tư, kinh doanh); Pháp luật về an toàn thực phẩm, đầu tư (quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng); Pháp luật về quảng cáo, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Ngoài ra, các chế tài liên quan đến lĩnh vực này cũng được quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về dân sự, hình sự…

Trong đó, các quy định trực tiếp điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN được quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018); Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ; Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng… Theo đó, một số quy định có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo liên quan đến TPCN gồm:

Đối với cơ sở sản xuất TPCN phải đáp ứng các điều kiện: Một là, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu sản xuất, bao bì chứa đựng và người trực tiếp sản xuất phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 14 Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư số 16/2012/TT-BYT ngày 22/10/2012, Điều 1, 2, 3 và 4 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/09/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hai là, cơ sở sản xuất dược phẩm đã được cấp chứng nhận Thực hành sản xuất tốt (GMP) khi sản xuất thực phẩm chức năng được miễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ba là, cơ sở sản xuất thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống Thực hành sản xuất tốt (GMP) và Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đối với cơ sơ kinh doanh, bảo quản, vận chuyển TPCN phải đáp ứng điều kiện: Một là, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp kinh doanh đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 và được hướng dẫn tại các điều 4, 5 và 6 Thông tư số 16/2012/TT-BYT ngày 22/10/2012, Điều 5, 6, 7 và 8 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/09/2012 của Bộ Y tế của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hai là, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được bày bán riêng biệt với khu vực bày bán các loại thực phẩm khác. Nhà thuốc phải có khu bày bán riêng cho sản phẩm thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế: Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Về quảng cáo đối với TPCN, theo quy định tại Điều 7 Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế: Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo. Trong đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động quảng cáo phải đặc biệt chú ý tới những hành vi bị cấm quy định tại Điều 8, Luật quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường…..

Vì vậy, theo tôi đối với các tổ chức cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo trong lĩnh vực này, cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nắm rõ, hiểu và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật để bảo đảm các sản phẩm TPCN trước khi được đưa ra thị trường đáp ứng được đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, bảo đảm sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng.

PV: Theo Luật sư, chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá TPCN hiện hành đã đủ tính răn đe? Luật sư có thể nêu ra các quy định để chứng minh cho quan điểm của mình?

LS Đặng Văn Chiêu: Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe, làm đẹp... của người dân tăng nhanh. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng nhưng lại được thổi phồng chức năng khiến gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Do đó, để quản lý vấn đề trên, các chế tài đã được đặt ra để xử lý những sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá thực phẩm chức năng. Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm dân sự, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ yếu tố cầu thành tội phạm.

Các hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9 /2020 của Chính phủ), gồm: Vi phạm quy định về cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Khoản 3, Điều 18) với mức phạt thấp nhất 40 triệu đồng, cao nhất là 60 triệu đồng; Vi phạm về tự công bố sản phẩm (Điều 20) với mức phạt thấp nhật là 15 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng; vi phạm quy định về bản đăng ký sản phẩm (Điều 21) với mức phạt thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm (Điều 23) với mức phạt thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất là 70 triệu đồng.

Các vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ), gồm: Hành vi buôn bán hành giả về giá trị sử dụng, công dụng (Điều 9) với mức phạt thấp nhất là 01 triệu đồng, cao nhất là 140 triệu đồng; hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (Điều 10) với mức phạt thấp nhất là 05 triệu đồng, cao nhất là 200 triệu đồng

Trường hợp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN không bảo đảm an toàn thực phẩm mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm bối thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015. Trường hợp cá nhân, pháp nhân thương mại sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN nếu hành vi vi phạm có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) với mức phạt thấp nhất 02 năm tù và cao nhất là chung thân, tử hình đối với cá nhân; mức phạt thấp nhất 01 tỷ đồng, cao nhất là 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm với pháp nhân thương mại phạm tội. Ngoài ra, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: Tội quảng cáo gian dối (Điều 197), tội lừa dối khách hàng (Điều 198).

Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành đã có những chế tài cụ thể để xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi đối với hành vi vi phạm hành chính, với mức xử phạt như hiện nay chưa đủ sức răn đe so với lợi ích mà người có hành vi vi phạm có thể có được. Vì vậy, ngoài hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, cần phải tăng mức phạt tiền đối với vi phạm về lĩnh vực này.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký “Bản công bố sản phẩm” không còn phù hợp với thực tiễn, trong khi đó, công tác hậu kiểm còn nhiều bất cập khiến TPCN kém chất lượng, hàng giả hàng nhái vẫn tràn lan. Luật sư có quan điểm như thế nào về ý kiến này?

LS Đặng Văn Chiêu: Hiện nay, theo quy định pháp luật, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là một trong những đối tượng phải thực hiện thủ tục đăng ký “Bản công bố sản phẩm”. Quy định này yêu cầu tổ chức, các nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật nếu muốn sản phẩm của họ được phép lưu thông trên thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ sở thông tin để người tiêu dùng nhận biết TPCN đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm, qua đó có quyết định tiêu dùng đúng đắn. Ngoài ra, việc đăng ký “Bản công bố sản phẩm” là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý an toàn thực phẩm được lưu thông trên thị trường. Vì vậy theo quan điểm cá nhân tôi việc đăng ký “Bản công bố sản phẩm” là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mà TPCN giả, TPCN không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là vấn nạn đáng báo động trên thị trường.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng TPCN giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang tràn lan trên thị trường, ngoài các nguyên nhân tôi đã nêu ở trên, công tác hậu kiểm hoặc chưa được quan tâm đúng mức hoặc các điều kiện bảo đảm cho công tác hậu kiểm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hoặc cơ chế phân công, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng ngừa, phát hiện xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản cáo TPCN chưa hợp lý, chưa hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng tràn lan các loại TPCN không đảm bảo an toàn thực phẩm đang tồn tại trên thị trường. Vì vây, bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký “Bản công bố sản phẩm” cần phải nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm đối với các sản phẩm đã được đăng ký “Bản công bố sản phẩm” để có biện pháp xử lý kịp thời.

PV: Trong rất nhiều vụ việc, khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng đã thu hồi sản phẩm vi phạm, song việc tiêu hủy hay không? tiến hành tiêu hủy như thế nào? Chí phí phát sinh trong quá trình tiêu hủy… còn rất nhiều vướng mắc. Không ít trường hợp, hàng hóa vi phạm lại được “tuồn” ra thị trường. Theo Luật sư, cơ quan, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này?

LS Đặng Văn Chiêu: Hiện nay, liên quan đến việc thu hồi, tịch thu và việc xử lý tiêu huỷ đối với TPCN vi phạm, ngoài việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN không bảo đảm an toàn có trách nhiệm xử lý thực phẩm đó và chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm theo quy định của pháp luật (Điều 17, Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014), pháp luật còn quy định các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Chủ tịch UBND các cấp, người có thẩm quyền trong cơ quan thanh tra, công an nhân dân, quản lý thị trường… được quy định trong các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính) được áp dụng hình thức xử lý bổ sung là tịch thu hoặc biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ đối với hàng hoá vi phạm.

Do vậy, trường hợp hàng hoá, TPCN có vi phạm đã bị người có thẩm quyền, cơ quan chức năng tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng vì một nguyên nhân nào đó những hàng hoá, TPCN vi phạm này lại bị “tuồn” ra thị trường, thì trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp tịch thu và biện pháp buộc tiêu huỷ đối với những sản phẩm vi phạm này. Ngoài ra, trong quá trình xử lý đối với sản phẩm, hàng hoá, TPCN vi phạm các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phối hợp xử lý cũng phải chịu trách nhiệm do không thực hiện đúng, đủ hoặc có vi phạm trong thực hiện dẫn đến hàng hoá, TPCN bị vi phạm được “tuồn” ra thị trường.

PV: Từ thực tiễn nói trên, Luật sư có khuyến nghị gì trong việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá các loại TPCN để lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng?.

LS Đặng Văn Chiêu: Như trên tôi đã đề cập, hiện nay hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN đã được quy định tương đối đồng bộ. Đây là công cụ rất quan trọng trong thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo TPCN chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, ngoài áp dụng các hình thức xử lý bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, cần tăng mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Vì việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN không bảo đảm án toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng về kinh tế, mà còn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hiện nay liên quan đến việc xử lý tiêu huỷ đối với TPCN vi phạm, ngoài việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không bảo đảm an toàn có trách nhiệm xử lý thực phẩm đó và chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm (Điều 17, Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014), pháp luật còn quy định các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quyền áp dụng các hình thức xử lý bổ sung là tịch thu hoặc biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ đối với hàng giả, TPCN giả. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến vấn đề này còn chưa được quy định rõ ràng như: Trường hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN tự thu hồi tiêu huỷ các sản phẩm không an toàn, cơ quan nào có trách nhiệm giám sát việc này để việc tiêu huỷ được thực hiện nghiêm trong thực tiễn hoặc việc xử lý được thực hiện theo điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình như thế nào để bảo đảm vệ sinh môi trường. Trường hợp người có thẩm quyền tịch thu TPCN có vi phạm, việc giám sát tiêu huỷ, cũng như điều kiện về vệ sinh môi trường trong quá trình tiêu huỷ cũng cần phải quy định rõ để bảo đảm trong quá trình thực hiện pháp luật được thuận lợi và hiệu quả.

Ngoài việc hoàn thiện pháp luật, công tác tuyền truyền phổ biến pháp luật, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN cần được quan tâm đúng mức và thực hiện một cách nghiêm minh. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng cảnh giác trong việc đưa ra các quyết định tiêu dùng có liên quan đến TPCN.

PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Hoàng Châu

Bạn đang đọc bài viết Làm gì để “thanh lọc” thị trường thực phẩm chức năng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

5 Tiệm bánh Trung thu nức tiếng Hà thành
Dù bánh Trung thu hiện đại với muôn vàn hương vị mới lạ ngày càng phổ biến, những thương hiệu bánh truyền thống tại Hà Nội vẫn giữ vững vị thế, thu hút đông đảo thực khách mỗi độ thu về.
Uống trà xanh như thế nào để có sức khỏe tốt?
Trà xanh là một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày và đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Uống trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu không sử dụng đúng cách, nó cũng có thể gây hại.
Mưa lớn kéo dài, giá rau xanh tăng vọt
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày nay khiến giá rau tại các chợ trên địa bàn Hà Nội rục rịch tăng giá. Trong đó, các loại rau ăn lá và rau gia vị có mức giá tăng mạnh nhất.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.