‘Tiền mất tật mang’ vì thực phẩm chức năng trôi nổi
Vì lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng sẵn sàng quảng cáo, rao bán thực phẩm chức năng giả, nhái, không rõ nguồn gốc, thậm chí là chứa chất cấm. Nhiều người vì tin vào những lời quảng cáo này đã lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
"Ma trận" thực phẩm chức năng
Mới đây, ngày 31/5/2023, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ đã tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Tại đây, hàng chục nghìn thực phẩm chức năng giả mới “ra lò” đã bị phát hiện. Cụ thể, trên diện tích khoảng 50m2, ẩm thấp, chật chội, bốn công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác với số lượng viên được định lượng trước.
Tiếp theo đó, các công nhân sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collggen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA ….lên phía ngoài vỏ hộp. Bước cuối cùng, một tem chống hàng giả sẽ được dán sau cùng. Và, sản phẩm sẽ được nằm ở vị trí chờ để sẵn sàng tới tay người tiêu dùng.
Theo ghi nhận tại cơ sở này có gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại căn nhà chật hẹp này, tuy nhiên phía bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam....
Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 1 chiếc máy khò nhiệt và 1 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.
Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có thông tin cảnh báo về một số loại thực phẩm chức năng có công dụng làm đẹp da, chữa ung thư có thành phần là ma túy tổng hợp. Cụ thể, các sản phẩm có nhãn hiệu "Lazarus Naturals Full Spectrum CBD TINCTURE" và "Lazarus Naturals RELIEF + RECOVERY CBD MUSCLE GEL" được quảng cáo có công dụng làm đẹp da, chữa ung thư đã được xác nhận có chứa chất ma túy tổng hợp Delta-9-tetrahydrocanabinol. Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho biết, đến nay, đơn vị không tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân nào xin cấp phép cho các sản phẩm nêu trên.
Theo các chuyên gia, chất ma túy tổng hợp Delta 9 - tetrahydrocannabinol trong loại thực phẩm chức năng vừa được cơ quan chức năng cảnh báo là một thành phần tự nhiên có trong cây cần sa.Trên thế giới và ở Việt Nam, Delta 9 - tetrahydrocannabinol và cần sa tự nhiên được luật pháp, ngành y tế xếp vào loại ma túy, là các chất nguy hiểm với sức khỏe, gây ngộ độc cấp tính, mạn tính và gây nghiện.
Loại chất này gây tác động tới thần kinh làm cho thần kinh bị kích thích, lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; làm loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp. Bên cạnh đó, có thể tác động trên nhiều cơ quan khác của cơ thể và có thể tử vong.
Thiệt mạng vì dùng TPCN không rõ nguồn gốc
Cụ thể, VOV đưa tin, một nạn nhân tại tỉnh Điện Biên đã tử vong sau 2 tháng sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng của Jeunesse. Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thu Trang, ở phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết, mẹ chị là bà Đỗ Thị V.A, 47 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư gan từ giữa năm 2021. Quá trình thăm khám, xác định bệnh mới ở giai đoạn đầu, nên mẹ chị được gia đình đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) chữa trị bằng cách cắt hoàn toàn khối u và ca mổ được đánh giá là thành công, diễn tiến sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, gần cuối năm 2022, các thành viên trong gia đình phát hiện người bệnh tham gia một nhóm Chat kín họp đồng hương trên mạng Internet và đặt mua số lượng lớn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Nhóm thông tin này chỉ cho phép người bệnh tham gia tương tác một mình, có mật khẩu thay đổi liên tục; nếu có sự xuất hiện của người nhà thì người tương tác sẽ lập tức bị tạm dừng, không được trao đổi tiếp thông tin.
Tại nhóm, bệnh nhân được tư vấn các nội dung xung quanh việc sử dụng các sản phẩm chức năng, không cần ăn uống gì thêm và không được phép tuân theo các phác đồ điều trị của bệnh viện, như vậy thì sẽ chữa khỏi được bệnh ung thư. Đáng buồn là trong khoảng từ cuối năm 2022 đến giữa tháng 2/2023, sau khi liên tục sử dụng các sản phẩm này, mẹ chị diễn biến sức khỏe xấu và đã tử vong.
Trả lời báo chí sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Hữu Sen, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y dược (Sở Y tế tỉnh Điện Biên) cho biết, toàn bộ sản phẩm bà Đỗ Thị V.A dùng không phải thuốc mà là một dạng thực phẩm dinh dưỡng, chưa được Cục Quản lý dược và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Liên quan đến các sản phẩm “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse, từ năm 2019, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo đến người dân về việc sản phẩm không rõ nguồn gốc, và đơn vị này có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép.
Cụ thể, cơ quan này cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng có tên “Reserve tế bào gốc” không rõ nguồn gốc của Tập đoàn Jeunesse Global tại Việt Nam được bán tràn lan nhưng chưa nhận được chứng nhận bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương.
Đến đầu tháng 2/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tiếp tục có cảnh báo hình thức bán hàng các sản phẩm của Jeunesse hay Jeunesse Global có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận.
Đây là lần thứ 2, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo về hoạt động kinh doanh của Jeunesse hay Jeunesse Global do đã tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về việc một số cá nhân thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc qua các ứng dụng điện thoại (Zoom Meeting) có tên dự án nền tảng thương mại điện tử - mạng xã hội hay nhà cung cấp nền tảng kinh doanh “chìa khóa trao tay” để giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia các gói kinh doanh được hưởng giá trị hoa hồng rất cao theo phương thức đa cấp của tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.
Theo tìm hiểu, hiện nay theo danh sách 20 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp tại Việt Nam được Bộ Công Thương chính thức công bố cũng không thấy xuất hiện đơn vị nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.
Cũng liên quan tới việc dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, một phụ nữ 25 tuổi tại Lâm Đồng suýt mất mạng vì bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell).
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân có bệnh vảy nến, được người quen giới thiệu một số loại thực phẩm chức năng để thải độc tố. Bộ sản phẩm gồm 7 loại với giá bán gần 5 triệu đồng. Sau khi sử dụng được 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện các nốt ban nhỏ, lấm tấm; đến khoảng ngày thứ 18, trong miệng xuất hiện nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, xuất hiện nhiều vết trợt ngoài da… Mấy ngày sau, cơ thể đau nhức, thậm chí cảm giác đau từng lỗ chân lông, từng sợi tóc, nên bệnh nhân đã được người nhà đưa đi viện cấp cứu tại Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó tại Bệnh viện Bạch Mai đã có không ít trường hợp nhập viện cấp cứu vì biến chứng nặng, thậm chí tử vong vì tin vào những lời quảng cáo, dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Quang Anh