Thị trường kính râm: Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada
Mùa hè đến, việc có một chiếc kính râm vừa thời trang vừa bảo vệ mắt khỏi ánh nắng là nhu cầu chung của rất nhiều người.
Cũng chính vì nhu cầu này nhiều sản phẩm phẩm kính râm được bày bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, lazada...trong đó có hàng giả, hàng nhái trà trộn.
Khảo sát của phóng viên Tạp chí Thương Trường trên sàn thương mại điện tử Shoppe cho thấy có nhiều cơ sở bày bán hàng loạt kính râm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đa dạng và phong phú như: kính mắt mèo, kính mắt vuông, kính mắt tròn, kính hình oval…
Các loại kính râm bình dân của các hãng trong nước như mắt kính Sài Gòn, mắt kính Hà Nội, Farelo… có mức giá khá mềm tùy thuộc vào chất liệu gọng kính và mắt kính. Cụ thể, kính râm gọng nhựa, gọng kim loại được các cửa hàng niêm yết ở mức giá dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn. Đặc biệt, các loại kính hàng hiệu đến từ thương hiệu có tiếng của nước ngoài như: Dolce & Gabbana (D&G), Levi's,… cũng có mức giá chênh lệch khá lớn.
Ngoài ra, kính mắt của thương hiệu nổi tiếng thế giới D&G trên Shoppe cũng rẻ bất ngờ. Trung bình giá của các sản phẩm do D&G niêm yết có giá từ 2 triệu đồng trở lên. Trong khi đó tìm kiếm trên Shoppe, một loạt cửa hàng bán sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng, logo tương tự chỉ với giá 200 nghìn đồng. Tức là rẻ hơn vài chục lần so với hàng chính hãng.
Đáng lưu ý, trong phần mô tả của sản phẩm, chỉ nói là sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với mọi trang phục…. Không hề có nguồn gốc xuất xứ hay thông tin gì về thương hiệu sản phẩm.
Người xưa có câu: “Tiền nào của nấy” quả không sai. Chất lượng một chiếc kính râm tốt thường đi kèm với giá thành “đắt đỏ”. Với một chiếc kính được gắn thương hiệu nổi tiếng nhưng chỉ có giá thành khoảng 100 - 200 nghìn đồng thì chắc chắn chất lượng không thể bằng hàng thật, giá thật.
Là tín đồ thời trang, cũng là nhân viên kinh doanh của một hãng thời trang lớn, chị Hà Thị Diện, 30 tuổi, sống tại Hà Nội hiểu rõ một chiếc kính hiệu không thể có “giá bèo” vài chục nghìn đồng. Chị Diện đã từng trải nghiệm một chiếc kính D&G có giá hơn 200 nghìn đồng trên Shoppe và nhận thấy: “Hình ảnh trên mạng y như hàng thật, nhưng khi mình nhận về sẽ thấy ngay chất lượng rất kém. Cầm trên tay là đã thấy sản phẩm không sang như là kính hiệu mình đã sử dụng rồi. Đặc biệt khi đeo vào thì tầm nhìn hạn chế, đeo lâu mắt bị mỏi” - chị Diện chia sẻ.
Theo một số chuyên gia, các loại kính không đạt chuẩn khi người dùng đeo vào không thể ngăn được tia cực tím, tiếp xúc liên tục với ánh sáng tia cực tím có thể gây ra các chứng bệnh như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và thậm chí là rơi vào tình trạng viêm giác mạc hay còn gọi là Photokeratitis. Những chiếc kính này thường được làm bằng vật liệu kém chất lượng, dưới ánh nắng mặt trời, mồ hôi phần viền mắt tại vị trí đeo kính sẽ khiến các lớp hóa chất phủ trên bề mặt kính “hoạt động”. Do tác động của bụi bẩn, chúng gây ra nhiều tác hại cho mắt của những người có cơ địa yếu như đau mắt, rát mắt, dị ứng, mẩn ngứa". Chưa hết, nếu thường xuyên sử dụng kính kém chất lượng, mắt không chỉ bị giảm thị lực, rối loạn thị lực mà còn có thể gây mù.
Hơn thế, các loại kính mang mác “hàng hiệu” rẻ tiền được sản xuất từ các vật liệu không đảm bảo chất lượng, các vật liệu làm gọng kính thường là nhựa cứng, khi người dùng đeo vào sẽ cảm giác đau ở hai bên thái dương do gọng kính kẹp chặt, gây cảm giác đau đầu chóng mặt. TS. Đào Văn Tấn - Giảng viên Bộ môn Di truyền Hoá Sinh, Khoa Sinh học, Đại học sư phạm Hà Nội cảnh báo: “Các loại mắt kính kém chất lượng có độ cong của mắt kính, tâm mắt không chuẩn, sai số chênh lệch rất nhiều, khi đeo vào một lúc lâu sẽ gây đau đầu, chóng mắt, buồn nôn. Các loại gọng kính đều được mạ các chất bên ngoài để đánh bóng, người mua sẽ bắt mắt bởi sự bóng bẩy của kính, khi đeo vào gọng kính áp chặt vào da mặt, và mồ hôi tiết ra, các chất có trong gọng kính sẽ thẩm thấu vào da, gây dị ứng, đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước”.
Trước thị trường kính “vàng thau lẫn lộn”, TS. Đào Văn Tấn khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng kính, tốt nhất là nên mua kính râm ở những địa chỉ có uy tín. Người dân không nên ham mua kính rẻ mà hại sức khỏe bản thân.
Việc người dân cẩn trọng, trở thành người tiêu dùng thông thái là rất cần thiết. Thế nhưng, việc một sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, lazada có thể bán công khai sản phẩm nhái, kém chất lượng đã đặt ra bài toán quản lý cho cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng đang đặt ra câu hỏi: Shoppe đã đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu? Phóng viên Thương Trường sẽ tiếp tục tìm hiểu về nội dung này và thông tin trong bài viết sau./.
Dương Định