Kiểm tra nguyên nhân gây ngập lụt tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Sau khi Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo yêu cầu kiểm tra nguyên nhân gây ngập lụt tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thông tin, cao tốc này ngập do dòng chảy sông Phan bị thu hẹp, tư vấn chưa lường hết khi thiết kế cống, đoạn ngập có thể được nâng cao.
Công văn số 6075/VPCP-CN ngày 9/8/2023 của Văn phòng Chính phủ nêu: Ngày 29/7/2023, trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã xảy ra tình trạng ngập nước làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cử Tổ công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá đầy đủ, khách quan các nguyên nhân gây ngập lụt tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (từ thiết kế, tính toán cao độ đường, thi công, phương án thoát nước,...) và đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 20/8/2023.
Ngay trong ngày 9/08, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thông tin, Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ngập do dòng chảy sông Phan bị thu hẹp, tư vấn chưa lường hết khi thiết kế cống, đoạn ngập có thể được nâng cao.
Đáng chú ý, trong vòng 100 m, đoạn qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận) bị ngập 0,7 m, sau khi tổ chức đoàn công tác kiểm tra hiện trường, rà soát hồ sơ khảo sát, thiết kế.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, do đây là tuyến đường mới, đi sát sông Phan, dòng chảy quanh co, thượng lưu có đập sông Phan nên chế độ thủy văn rất phức tạp. Qua kiểm tra cho thấy quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Về khẩu độ cống tại vị trí ngập, đơn vị tư vấn thiết kế đã khảo sát mực nước lũ lịch sử cao nhất vào năm 1992 tại vị trí cống là 43,14 m và tính toán khẩu độ cống. Vị trí cống tại đoạn ngập được thiết kế với khẩu độ (2,5x2,5 m) đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía thượng lưu.
Tại thời điểm xảy ra ngập, mặc dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử, là yếu tố bất thường.
Sau khi kiểm tra, các chuyên gia đánh giá từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan, lòng sông, suối có hệ thực vật xâm lấn, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, gây dềnh ứ nước cục bộ dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, gây ngập đường.
Thái Đạt