0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 22/07/2023 17:01 (GMT+7)

Đồng Nai: Mỏ đất phục vụ dự án cao tốc thực hiện sai phương án khai thác được phê duyệt

Theo dõi KT&TD trên

Sau báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguy cơ sạt lở tại mỏ đất tại đồi Bình Minh (xã Suối Cát), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra thực địa và yêu cầu khắc phục.

Mới đây, ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đi khảo sát thực tế tiến độ thi công tuyến đường gom dân sinh và kiểm tra hoạt động khai thác ở 2 mỏ đất (mỏ đất tại đồi Bình Minh và mỏ đất tại xã Xuân Hưng) phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc.

Tuyến đường gom dân sinh dọc theo dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc) đã được đơn vị thực hiện cơ bản phần đất đắp, trải đá cấp phối... Và còn nhiều vị trí chưa thể thông tuyến, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tiếp đó, tại 2 vị trí mỏ đất đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác tại xã Xuân Hưng và xã Suối Cát, đến nay, mỏ đất tại xã Xuân Hưng đã ngưng khai thác. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện trách nhiệm hoàn thổ, cải tạo lớp đất mặt để người dân canh tác.

Còn lại, mỏ đất tại đồi Bình Minh, xã Suối Cát vẫn còn trong giai đoạn khai thác để phục vụ dự án. Tuy nhiên, quá trình khai thác đơn vị thi công đã không thực hiện đúng theo phương án đã được phê duyệt, tạo ra những vách đất có độ dốc thẳng đứng, chiều cao khoảng 30m, gây ra nguy cơ sạt lở mất an toàn cho công nhân thi công cũng như các hộ dân người dân sinh sống quanh khu vực.

Sau khi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án cao tốc Phan thiết – Dầu Giây), Liên danh Vinaconex - Trung Chính (Công ty TNHH xây dựng Trung Chính, đơn vị khai thác mỏ đất đồi Bình Minh) phải có giải pháp khắc phục ngay, triệt để đối với các vị trí khai thác có nguy cơ sạt lở. Cần tính toán, đánh giá lại khối lượng đất tỉnh cấp, khối lượng đất lấy đi phục vụ dự án và khối lượng còn lại để báo cáo cụ thể về UBND tỉnh Đồng Nai.

Đối với mỏ đất tại xã Xuân Hưng đã khai thác xong phải thực hiện việc cải tạo, hoàn thổ đúng theo quy định. Trường hợp khai thác không đúng phạm vi cấp phép sẽ bị xử lý.

Ngoài ra, ông Võ Văn Phi chỉ đạo nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạng mục cầu vượt, đường gom dân sinh. Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương, sở, ngành liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để các công trình đảm bảo an toàn, chất lượng.

Trước đó, năm 2022 Đồng Nai đã cấp phép 4 mỏ đất trên cho các đơn vị liên quan được khai thác đất nhằm phục vụ đất đắp cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để phục vụ cho dự án. Thời hạn đến ngày 31/12/2022.

Từ đầu năm 2023 đến nay, do thiếu hụt nguồn đất đắp, nhiều hạng mục như cầu vượt, đường ngang dân sinh thuộc địa phận Đồng Nai chưa thể triển khai thi công.

Đồng Nai: Mỏ đất phục vụ dự án cao tốc thực hiện sai phương án khai thác được phê duyệt - Ảnh 1
Đơn vị khai thác mỏ đất tại đồi Bình Minh thực hiện sai phương án khai thác được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Ảnh báo Đại Đoàn Kết

Bộ Giao thông vận tải sau đó đã có văn bản gửi đến Chính phủ kiến nghị gia hạn các mỏ đất nói trên để phục vụ thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, hiện dự án cần khoảng 620.000 m3 đất đắp. Nếu không được gia hạn khai thác thì dự án không thể hoàn thành vào ngày 30/4 như kế hoạch.

Tháng 3/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giải quyết vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Và chỉ ít ngày sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản chấp thuận gia hạn 4 mỏ đất đắp (cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp) trên địa bàn huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ để phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai.

Tại văn bản chấp thuận gia hạn, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị được khai thác 4 mỏ đất đắp trên phải rà soát, xác định khối lượng đất còn lại, khối lượng đất mặt đã thu gom phục vụ hoàn thổ sau khi ngưng thu hồi vật liệu san lấp; Xây dựng kế hoạch chi tiết để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện phương án sau khi được gia hạn, xác định rõ mốc thời gian hoàn thiện cải tạo đất, san gạt theo hiện trạng, tiến hành hoàn thổ, cải tạo đất theo phương án đã được chấp thuận.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đi kiểm tra các mỏ đất nêu trên và phát hiện đơn vị khai thác (Liên doanh Vinaconex – Trung Chính) đất tại đồi Bình Minh đã không tuân thủ theo phương án được chấp thuận, việc cải tạo không phân tầng khai thác, tạo vách đứng cao 10-30 mét và góc dựng đứng 90 độ so với mặt bằng, có nguy cơ sạt lở nặng.

Thanh Tùng - Tuyết Mai

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Mỏ đất phục vụ dự án cao tốc thực hiện sai phương án khai thác được phê duyệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

"Cửa nào" cho người trẻ muốn an cư ở Hà Nội?
Nhiều người trẻ ở Hà Nội đang rơi vào trạng thái mắc kẹt giữa ước mơ an cư và thực tế tài chính eo hẹp. Không với tới nhà nội đô, họ đang tìm những lối đi khác như mua nhà ven đô, chờ nhà ở xã hội hoặc săn lùng căn hộ cũ diện tích nhỏ.
Méo mặt "ôm" đất chờ lên quận
Trước thông tin 5 huyện ngoại thành Hà Nội sắp lên quận, nhiều nhà ôm đất chờ tăng giá kiềm lời. Nay, sắp xếp địa phương 2 cấp, bỏ cấp trung gian (quận, huyện), nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Khi môi giới bất động sản bị ép “cắt máu”
Khi thị trường bất động sản trầm lắng, ít giao dịch, nghề môi giới cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng người mua yêu cầu môi giới phải "cắt máu", trích lại một phần hoa hồng mới đồng ý ký hợp đồng mua bán ngày càng nhiều.

Tin mới

"Cửa nào" cho người trẻ muốn an cư ở Hà Nội?
Nhiều người trẻ ở Hà Nội đang rơi vào trạng thái mắc kẹt giữa ước mơ an cư và thực tế tài chính eo hẹp. Không với tới nhà nội đô, họ đang tìm những lối đi khác như mua nhà ven đô, chờ nhà ở xã hội hoặc săn lùng căn hộ cũ diện tích nhỏ.