Cung ứng, khai thác mỏ vật liệu chưa đáp ứng được tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Thủ tục cấp phép, tiến độ khai thác nguồn vật liệu đang chậm có thể ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Thiếu đất, cát xây dựng
Sau đợt kiểm tra hiện trường các khu vực mỏ và làm việc trực tiếp với các địa phương từ ngày 3 - 7/7 của Bộ GTVT báo cáo, các dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 17 triệu m3 đá, chủ yếu lấy từ các mỏ đang khai thác với tổng công suất khai thác khoảng gần 9,6 triệu m3/năm. Công suất khai thác hiện nay của các mỏ cơ bản đáp ứng.
Về vật liệu cát, tổng nhu cầu cần gần 9,7 triệu m3. Trong đó, hơn 4 triệu m3 được sử dụng từ 82 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng hơn 11 triệu m3. Tổng công suất khai thác khoảng 1,7 triệu m3/năm. Còn lại gần 5,4 triệu m3 được sử dụng từ 16 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3.
Đối với các mỏ đang khai thác, công suất các mỏ trên địa bàn một số tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu. Riêng các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên (sử dụng xử lý nền đất yếu) và một số mỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hết hạn thời gian khai thác, tạm dừng khai thác, chưa đáp ứng do còn cung cấp cho các dự án của địa phương.
Các chủ đầu tư, nhà thầu đang phối với với chủ mỏ và các cơ quan chức năng của địa phương kiến nghị UBND các tỉnh nâng công suất 39 mỏ, gia hạn giấy phép 5 mỏ để đảm bảo đủ nhu cầu cho các dự án thành phần đoạn qua địa bàn tỉnh (Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh; Vân Phong - Nha Trang).
Với mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù, đến nay, các nhà thầu đã trình 13/16 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác với tổng trữ lượng hơn 5,6 triệu m3. UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 2/13 mỏ cho các nhà thầu với tổng trữ lượng hơn 1 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện các nhà thầu chưa khai thác được cát do các địa phương đang điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện thủ tục thuê đất, dự kiến cuối tháng 7/2023 mới có thể khai thác.
Bộ GTVT cho biết khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới là rất lớn, chủ yếu phục vụ cho công tác xử lý nền đất yếu, thủ tục khai thác mỏ đang chậm, trong khi mùa mưa, lũ đã đến, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu.
Đối với vật liệu đất, theo tính toán, tổng nhu cầu các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 47 triệu m3. Trong đó, hơn 5 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng hơn 8,5 triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng 2,54 triệu m3/năm. Gần 42 triệu m3 còn lại được sử dụng từ 71 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 61 triệu m3.
Với các mỏ đang khai thác, công suất cơ bản đáp ứng nhu cầu, chỉ có 2 mỏ trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh công suất chưa đáp ứng.
Để báo đảm nguồn vật liệu thi công dự án, hiện nay, các nhà thầu đã trình 55/71 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác với tổng trữ lượng hơn 53 triệu m3. UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 26/556 mỏ với tổng trữ lượng hơn 32 triệu m3 cho các nhà thầu, đáp ứng khoảng 68% nhu cầu dự án.
Mặc dù vậy, đến nay, các nhà thầu mới khai thác được đất từ 9/26 mỏ với tổng trữ lượng khoảng hơn 6,4 triệu m3, chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu.
Các mỏ còn lại chưa khai thác được do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định gặp nhiều khó khăn.
Giải pháp khơi nguồn cung vật liệu
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Tổ công tác Bộ GTVT kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18.
Cụ thể, UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực ĐBSCL.
Bộ NN&PTNT sớm nghiên cứu và hướng dẫn việc nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế với tinh thần rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ quan liên quan trong quá trình lập, trình, hoàn thiện hồ sơ khai thác mỏ; thủ tục đất đai và thương thảo với các chủ đất khu vực mỏ; hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ đã trình vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023; hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023.
Về phía UBND các thành phố, Tổ công tác kiến nghị cấp thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định hồ sơ.
Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để thông qua trong kỳ họp tháng 7/2023 đối với các mỏ đã trình; trong kỳ họp cuối năm 2023 đối với các mỏ còn lại, bảo đảm hoàn thành toàn bộ thủ tục khai thác mỏ trong năm 2023.
Tổ công tác cũng đề nghị các địa phương cũng cần thành lập tổ công tác tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.
Đồng thời, khẩn trương gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đã hết hạn, hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ đang tạm dừng khai thác để đáp ứng nhu cầu các dự án.
Trung Anh