Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ được khởi công vào tháng 9/2024
Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự kiến dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ được khởi công vào tháng 9/2024.
Khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh vào tháng 9/2024
Mới đây, thông tin về tình hình triển khai dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào tháng 9/2024.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 27/12/2021, sử dụng nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc.
Tuy nhiên, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều sâu đất yếu lớn dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng khi được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế. Chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng, đơn giá. Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng do được tính toán theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng. Chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng. Tất cả các yếu tố trên làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
"Nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 8/2023, đàm phán ký Hiệp định vay ODA với Chính phủ Hàn Quốc vào cuối năm 2023. Các công việc liên quan sẽ được triển khai ngay sau đó để khởi công dự án vào tháng 9/2024. Dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Dự án đường bộ Mỹ An - Cao Lãnh có tổng chiều dài gần 27 km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Điểm đầu dự án kết nối với tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Theo chủ trương được phê duyệt, giai đoạn 1 dự án sẽ được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, rộng 17m. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 4.770 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Thúc đẩy triển khai các dự án cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mới đây, phát biểu chỉ đạo Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu chúng ta làm tốt công tác phát triển hạ tầng giao thông thì sẽ tạo không gian mới, tạo sự tăng trưởng mới, giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương tinh thần sáng tạo của lãnh đạo các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải… trong việc xử lý các vấn đề phát sinh, tìm nguồn vốn… cho các dự án.
Về vốn ODA, Thủ tướng nêu rõ, vốn này luôn bị tắc, “ì ạch”, trong khi xã hội rất cần vốn. Theo Thủ tướng, việc gỡ khó trước hết phải là các văn bản của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành; chúng ta phải nỗ lực tìm mọi cách gỡ khó; phải thẳng thắn xem tại sao lại vướng, vướng ở đâu.
Thủ tướng mong các địa phương hiến kế để giải tỏa nhanh vốn ODA đi vào giải ngân. Nếu không tập trung, quyết liệt, mạnh dạn giải quyết thì sẽ lãng phí nguồn lực trong khi nhân dân rất mong đợi, rất cần hạ tầng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng, đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác.
Về các khó khăn, Bộ Giao thông vận tải cho biết, toàn bộ các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian, vì vậy, tiến độ các dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp. Đến nay, phần mặt bằng đã được bàn giao, cơ bản đáp ứng triển khai thi công, tuy nhiên, đối với phần mặt bằng còn lại là các khu vực đất ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật thường là khâu khó khăn và mất nhiều thời gian, nếu không quyết liệt và bàn giao sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành dự án.
Đối với nguồn vật liệu cát đắp, đến nay, các dự án đã cơ bản xác định được nguồn cung, nếu không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cát theo kế hoạch thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án. Riêng Dự án cao tốc bắc-nam phía đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau, hiện mới có tỉnh Đồng Tháp xác định đủ nguồn cung để cấp cho dự án (tổng cộng 7 triệu m3); các tỉnh An Giang, Vĩnh Long chưa xác định đủ nguồn cho dự án (tỉnh An Giang còn 5,9 triệu m3, trong đó năm 2023 là 2,2 triệu m3, năm 2024 là 3,7 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long còn lại 3,2 triệu m3, trong đó năm 2023 là 2,5 triệu m3, năm 2024 là 0,7 triệu m3).
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát đắp để hoàn thành công tác đắp nền đường trước tháng 6/2024 (dự án Cần Thơ-Cà Mau), trước tháng 12/2024 (dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) và sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư một số dự án như đã nêu trên, Bộ kiến nghị một số nội dung sau:
Đối với Dự án cao tốc An Hữu-Cao Lãnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối nguồn vốn bổ sung để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu trong tháng 7/2023.
Đối với Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Chủ đầu tư hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 12/7/2023. Đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là trung tâm nông nghiệp rất lớn của cả nước; trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục phát triển nông nghiệp khu vực trở thành nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Nêu rõ 2 năm qua, các tỉnh, thành phố vào cuộc tích cực để triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn nhân dân đã nhường đất sinh sống, canh tác cho các dự án, đóng góp vào việc chung; đánh giá cao các doanh nghiệp tham gia các dự án: Chúng ta tự hào đã và đang làm được những điều quan trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đạt được một số dấu mốc quan trọng về phát triển đường cao tốc…
Đầu năm 2023, chúng ta đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và các dự án quan trọng khác. Ngoài các dự án đã được phê duyệt, đã khởi công, từ nay đến đầu năm 2024, chúng ta có thể khởi công khoảng 284 km và nhiều dự án đường bộ cao tốc đang được khẩn trương hoàn thành thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến thời điểm hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km; 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng). Như vậy, đến năm 2026, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554km đường cao tốc.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long còn một số khó khăn như: Giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp...
Các dự án tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian; tiến độ hoàn toàn phụ thuộc vào việc bàn giao mặt bằng. Đến nay, phần lớn mặt bằng đã được bàn giao, cơ bản đáp ứng yêu cầu về thi công; tuy nhiên, đối với phần mặt bằng còn lại là các khu vực đất ở, di rời công trình hạ tầng kỹ thuật là khó khăn nhất và mất nhiều thời gian nhất.
Thủ tướng nêu rõ, nút thắt lớn nhất của các dự án là bảo đảm nguồn vật liệu cát đắp; đề nghị vẫn tiếp tục khai thác tối đa; các tỉnh cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu theo Nghị quyết của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp, cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa xử lý nguồn cát, nghiên cứu nhanh việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường; huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công một cách nhanh nhất có thể; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan.
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu nghiêm túc quán triệt: tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng còn lại, làm tốt công tác tái định cư cho người dân; phải bảo đảm chất lượng; tiến độ công trình, bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái, cảnh quan; không được để thiếu vật liệu; không được đội giá bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; nguyên vật liệu giao trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu, không được giao cho tư nhân dễ dẫn đến găm hàng, đội giá; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý sai phạm.
Đối với một số dự án cụ thể như Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo đúng tinh thần Quốc hội đã đề ra. Đối với Dự án cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau, UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2023; UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác, không để phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; các tỉnh An Giang, Vĩnh Long sớm xác định nguồn cấp cho khối lượng cát còn lại của các dự án, trong đó ưu tiên cấp đủ nhu cầu năm 2023; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục để nhà thầu dự án Cần Thơ-Cà Mau có thể khai thác các mỏ trong tháng 7/2023.
Các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng: chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện công việc liên quan, bảo đảm bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; UBND thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang sớm làm việc với UBND tỉnh An Giang để xác định cụ thể các mỏ cấp cho các dự án và hoàn thành thủ tục khai thác.
Thủ tướng đề nghị các cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân, với đất nước. Về vật liệu xây dựng, chúng ta cần nghiên cứu thêm để áp dụng trong thực tế, bảo đảm hiệu quả. Thủ tướng đề nghị cái khó khăn nhất đã được thống nhất cách làm, các chủ thể, sự phối hợp giữa các chủ thể. Các địa phương hết sức chú ý vấn đề này; “Cái gì đã quyết rồi thì cứ thế mà làm”; nỗ lực để công trình hoàn thành càng sớm càng tốt, mang lại lợi ích cho nhân dân, góp phần đạt mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố đã đề ra.
Hồng Quang