Các dự án cao tốc đang cố gắng về đích năm 2023
Trong những ngày nắng nóng như đổ lửa, trên công trường của các dự án cao tốc Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2 đang được các nhà thầu dồn lực thi công, kịp về đích trong năm 2023.
Cụ thể, Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài hơn 43km qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác dịp 2/9/2023.
Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài 50km qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2023.
Dự án Nha Trang - Cam Lâm là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư theo phương thức PPP. Dự án có chiều dài hơn 49km, tổng vốn đầu tư 4.345 tỷ đồng, dự kiến được khánh thành trong tháng 5/2023.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài hơn 6km với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, phần cầu chính dài gần 2km được đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng mặt cầu 25m, nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m. Dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án 6, “Tiến độ thi công của các nhà thầu đang bám sát kế hoạch đăng ký, việc đưa dự án về đích trong tháng 8/2023 là khả thi”.
Đại diện Ban điều hành thuộc nhà thầu Vinaconex cho biết, trong phạm vi 2,5km đường phụ trách thi công, tổng nhu cầu đất đắp của Vinaconex là hơn 613.000m3. Ngay khi mỏ đất Đồng Vàng được cấp giấy phép khai thác, nhà thầu đã dồn lực nâng sản lượng thi công đắp đất nền đường từ 1.000-2.000m3/ngày lên hơn 10.000m3/ngày.
Hiện tại, sản lượng thi công trong phạm vi phụ trách của Vinaconex đã đạt khoảng 76% giá trị hợp đồng. Mục tiêu đến tháng 6/2023, công tác thảm bê tông nhựa sẽ được triển khai đại trà, góp phần đưa dự án hoàn thành đúng dịp 2/9.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Quản lý dự án 2, sản lượng thi công dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đạt gần 68% giá trị hợp đồng. Để đảm bảo tiến độ, tất cả các đoạn tuyến thông thường đang được Ban chỉ đạo nhà thầu thi công cuốn chiếu.
Huy động hơn 1.500 kỹ sư, công nhân bám công trường trong suốt kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm cũng đang được rốt ráo triển khai những đoạn tuyến cuối cùng để kịp khánh thành ngay trong tháng 5/2023.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 4/5, sản lượng thi công toàn dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm đạt khoảng 85%. Trong đó, công tác thảm bê tông nhựa tuyến chính đã hoàn thành 47km.
Đáp ứng yêu cầu khánh thành trong tháng 5/2023, nhà thầu đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, hộ lan… Phương án tổ chức giao thông cũng đang được các bên liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Kết thúc dịp nghỉ lễ, dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng kịp ghi nhận kết quả mới khi hai trụ tháp chính T15 và T16 thuộc gói thầu XL3B đều đã được nhà thầu hoàn thành thi công đốt dầm thứ 7 trong các ngày 29/4 và 1/5.
“Với thời gian thi công 13 - 15 ngày/đốt đúc, mục tiêu liên danh nhà thầu đặt ra đến đầu tháng 11/2023 sẽ hợp long nhịp giữa của công trình, kịp thời hoàn thiện các hạng mục còn lại, đưa công trình về đích trong tháng 12/2023 theo đúng tiến độ yêu cầu”, ông Phạm Văn Quân, Chỉ huy trưởng thuộc nhà thầu Trung Nam E&C thông tin.
Theo ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc điều hành dự án, công trình cầu Mỹ Thuận 2 có 4 gói thầu xây lắp. Tính chung toàn dự án, sản lượng thi công hiện đã đạt hơn 78%, vượt gần 2% so với kế hoạch.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án 6, vướng mắc lớn nhất là mặt bằng thi công cầu vượt ngang Diễn Đoài trên địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi phạm vi đường dẫn đầu cầu vẫn vướng 19 hộ dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, tồn tại mặt bằng của dự án nằm ở gói thầu XL3, đặc biệt là nút giao qua xã Tân Trường còn 2 trạm thu phát sóng, 1 trạm bơm nước và khoảng 4 - 5 hộ dân cản trở, chưa di dời. Ngay trong tuần tới, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ trực tiếp vào thị xã Nghi Sơn để tháo gỡ khó khăn, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Mặc dù vậy, Giám đốc Quản lý dự án cũng không khỏi lo lắng khi thời gian cán đích của dự án chỉ còn khoảng 4 tháng nhưng công tác xử lý nền đất yếu vẫn gặp không ít trắc trở.
“Lo ngại nhất là gói thầu XL1. Trong tổng số hơn 10km phải xử lý nền đất yếu, nhà thầu mới dỡ tải được gần 1km. Số còn lại chưa thể dỡ tải do chưa tắt lún, phải theo dõi thêm. Trường hợp thuận lợi, những điểm khó khăn dỡ tải được trong tháng 8/2023, Ban điều hành sẽ chỉ đạo nhà thầu dồn lực thi công móng mặt để kịp thông xe vào dịp 2/9 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, ông Quỳnh chia sẻ thêm.
Ban điều hành đang yêu cầu nhà thầu phối hợp với tư vấn theo dõi, đánh giá sát sao tiêu chuẩn kỹ thuật, khi đủ điều kiện phải dồn lực triển khai, hoàn thành toàn bộ công tác dỡ tải trong tháng 5/2023.
Hạ Ly