Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Nơi thi công “thần tốc”, chỗ ỳ ạch triển khai
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng, dài 53km, có quy mô 4 - 6 làn xe. Sau hơn nửa năm triển khai, tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh BR-VT đã dần hình thành với tốc độ thi công rất nhanh, còn phía Đồng Nai triển khai rất chậm do phần lớn vẫn chưa được giao mặt bằng.
Hình ảnh trái ngược tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Bên Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành đường còn phía Đồng Nai cây cối xanh um tùm chen lẫn nhiều ngôi nhà chưa được giải tỏa.
Tháng 6/2023, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai đồng loạt tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo kế hoạch, dự án được giải phóng mặt bằng trong năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và khai thác đồng bộ vào năm 2026.
Tuy nhiên, đến nay (cuối tháng 1/2024), dự án Thành phần 1 và Thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 34km) đi qua tỉnh Đồng Nai vẫn chậm triển khai do công tác giải phóng mặt bằng rất thấp.
Hiện nay, Đồng Nai vẫn đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng vì nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, tại phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) có khoảng 28ha trong diện chủ nhà không phải chủ đất, mua bán giấy tay qua nhiều đời. Vì vậy, Ban vẫn đang phối hợp với chính quyền địa phương liên hệ tìm chủ đất và thực hiện theo trình tự kiểm đếm khi vắng chủ.
Ngoài ra, từ cuối năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã có quyết định bồi thường, hỗ trợ, thu hồi gần 12ha đất của Công ty Cao su Đồng Nai để thực hiện dự án cao tốc. Tuy nhiên, đến nay phía công ty vẫn chưa đốn hạ cây cao su để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) điểm đầu cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thuộc dự án Thành phần 1 triển khai rất chậm. Dự án chưa thành hình, chưa thể triển khai do nhiều nhà dân vẫn “án ngữ”, chưa di dời.
Đại diện Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đến nay chỉ mới nhận được khoảng 23ha mặt bằng (khoảng 13%) khiến công tác thi công gặp nhiều khó khăn. Nhiều máy móc, thiết bị, nhân sự của đơn vị thi công đã huy động nhưng vẫn phải “nằm chờ” bàn giao mặt bằng.
Tại điểm giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là vị trí có mặt bằng nên nhà thầu tận dụng triển khai.
Nhà thầu cho công nhân triển khai những điểm hiếm hoi được giao mặt bằng.
Một số điểm được giao mặt bằng việc triển khai dự án cũng cầm chừng vì một số hạng mục phải thông tuyến mới triển khai được.
Liên quan tới quá trình triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch xây dựng 4 khu tái định cư ở thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành. Tuy nhiên, đến nay có 2 khu tái định cư tại huyện Long Thành đã được khởi công, 2 khu còn lại tại thành phố Biên Hòa vẫn chưa chuyển động.
Trái ngược với Đồng Nai, dự án Thành phần 3 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích bàn giao mặt bằng đạt gần 97%. Lũy kế giá trị thi công dự án đến nay khoảng 10%. Về kế hoạch bố trí vốn và giải ngân: Năm 2022 và 2023 đã giải ngân 100%. Để đáp ứng nhu cầu dự án, UBND tỉnh đã tạm ứng 570,318 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh để chi trả chi phí giải phóng mặt bằng dự án trong thời gian vốn ngân sách Trung ương chưa thể bố trí. Năm 2024, dự án được bố trí 500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đã giải ngân 100%.
Theo kỹ sư Dương Hồng Quân - Chỉ huy trưởng dự án Thành phần 3 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải), đối với dự án, nhà thầu đang thi công phần đường, nền đường, cống với tổng chiều dài 14,2/19,5km. Hiện nay, Tập đoàn đang triển khai dự án 3 ca, 4 kíp, làm việc xuyên ngày đêm chia ra 5 mũi thi công chính. Về tiến độ lúc đầu chủ đầu tư đưa ra 36 tháng nhưng bên Tập đoàn xin rút ngắn còn 24 tháng. Nhưng với tiến độ này, lực lượng thi công mạnh, đều đặn như hiện nay thì không đến 24 tháng đơn vị thi công sẽ hoàn thành dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Trình - Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết: Ngay sau khi khởi công, các nhà thầu đã khẩn trương bố trí nhân lực, thiết bị, tài chính để chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công; để chủ động hơn nữa trong việc cung cấp vật liệu đảm bảo trữ lượng, chất lượng tốt cho gói thầu, các nhà thầu thi công đã lập hồ sơ khai thác vật liệu đất đắp và đá xây dựng theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép. Hiện nay, liên danh 3 nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến với hơn 11 mũi thi công bao gồm các hạng mục phần đường và phần cầu, thực hiện thi công ngày đêm để đẩy nhanh tối đa tiến độ vào mùa nắng khi thời tiết thuận lợi.
“Mục tiêu sẽ hoàn thành thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến vào ngày 2/9/2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng Nghị quyết 90/NQ-CP của Chính phủ”, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải thông tin.