'Khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trong 2024'
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đây là một trong những nhiệm vụ được Bộ Giao thông Vận tải đặt ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, tổ chức ngày 28/12.
Khởi công 19 dự án trong năm 2024
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết năm nay, Bộ Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Tính đến tháng 12, ước giải ngân của đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.
Trong năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP. HCM, khởi công công trình nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất...
Cũng trong năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km.
Năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đặt kế hoạch giải ngân trên 95% số vốn được giao; phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch. Trong đó đưa vào khai thác cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021km, gồm: 129km cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và 1.892km cao tốc đã đưa vào khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đặt mục hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024, trong đó có 3 dự án cao tốc: Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và 16 dự án khác, gồm: dường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc...
Phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP. HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Chống tham nhũng trong xây sân bay Long Thành
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông năm 2023 là điểm sáng với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không...
Bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng "trá hình" còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều công trình đường bộ cao tốc đã kịp hoàn thành, đưa vào khai thác song việc đầu tư các trạm dừng nghỉ, cầu vượt dân sinh, hệ thống giao thông minh (ITS)… chưa đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người sử dụng. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu thực tiễn.
Giao các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng sân bay Long Thành - dự án rất lớn mang tính biểu tượng của cả nước.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu sớm trình phê duyệt, khởi công một số dự án PPP, như cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh tại khu vực miền núi phía Bắc, cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành tại khu vực Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên, cao tốc Nam Định-Thái Bình tại Đồng bằng sông Hồng.
"Đây là 3 dự án rất quan trọng, 3 vùng kinh tế khác nhau trong đó có 1 vùng kinh tế khó khăn, 2 vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên", Thủ tướng nhấn mạnh.