Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng đến từng ngõ ngách của xã hội, ngành ngân hàng đang chứng kiến một cuộc chuyển đổi số mãnh liệt.
Sự chuyển đổi này không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ mới, mà còn thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản trị, cách thức hoạt động, và một định hướng tương lai cho ngành.
Ngành Ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công nghệ kỹ thuật số đã làm gián đoạn các hoạt động ngân hàng truyền thống, thúc đẩy các ngân hàng cần phải thay đổi chiến lược và thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ kỹ thuật số này. Quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã dẫn đến sự xuất hiện của các xu hướng mới và sự phát triển của Fintech trong hoạt động ngân hàng.
Sự chuyển đổi số được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ phía khách hàng. Trong kỷ nguyên COVID-19, người dùng đã quen với việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Điều này đã tạo đà cho việc gia tăng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như mobile banking, internet banking hay các ví điện tử. Tuy nhiên, sự chuyển đổi không chỉ là câu chuyện của các giao diện đơn giản. Nó bao gồm cả việc đề cao năng lực phân tích dữ liệu lớn (“big data”), tính đồng bộ trong quy trình, và sự tích hợp các dịch vụ đa kênh.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang đóng vai trò trung tâm trong chuyển đổi số. Thay vì dừa vào nhân viên ngân hàng để tư vấn và giải quyết vấn đề, nhiều ngân hàng đang triển khai các chatbot và hệ thống AI tự học hỏi. Các hệ thống này không chỉ giải quyết nhanh chóng mà còn có khả năng dự báo nhu cầu khách hàng và phát hiện nguy cơ gian lậu.
Cùng với đó, blockchain đang tạo nên những chuyển biến lớn trong quản lý giao dịch và lưu trữ thông tin. Khác với hệ thống truyền thống, blockchain mang lại tính minh bạch cao, không thể sửa đổi và đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối. Các ngân hàng đang khai thác blockchain để nâng cao khả năng lưu trữ dữ liệu, quản lý giao dịch và giảm chi phí vận hành.
Không thể không nhắc đến tác động tích cực đến các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Việc chuyển đổi số đã giúm giảm thiểu rủi ro, tăng cường bảo mật, đồng thời tối ưu hóa chi phí cho các bên tham gia. Chẳng hạn, với công nghệ sinh trắc học như vân tay hay nhận diện khuôn mặt, người dùng có thể giao dịch một cách an toàn và nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.
Hiện BIDV đi đầu trong ứng dụng công nghệ blockchain phát hành thư tín dụng đến ngân hàng ngoài hệ thống; MB, VPBank, Vietcombank đã ứng dụng blockchain trong xử lý giao dịch tài chính. Đối với ứng dụng AI, BIDV đã ra mắt công nghệ smartbanking sử dụng công nghệ AI, VIB kết hơp công nghệ AI với BigData vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ tín dụng…
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như: Sacombank, HDBank, ACB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, PVComBank… cũng đã và đang tích cực chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) cũng xác định chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm, tập trung đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ nhằm phát triển hệ sinh thái số và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng cũng đặt ra một số thách thức. Một số khách hàng vẫn còn e ngại về việc sử dụng dịch vụ ngân hàng số do lo ngại về bảo mật thông tin, an toàn giao dịch. Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp ngân hàng số cũng đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, đồng thời cần phải đào tạo thêm nhân lực có kiến thức và kỹ năng về công nghệ để có thể quản lý và phát triển các dịch vụ ngân hàng số.
Để tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường và nâng cao hiệu quả tích hợp công nghệ AI vào hoạt động ngân hàng, bài viết đưa ra một số khuyến nghị cụ thể. Đầu tiên, ngân hàng cần thiết lập một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và phù hợp với cơ cấu tổ chức của mình. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào công nghệ AI để nâng cao khả năng phát triển và cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, cần đào tạo và phát triển chuyên môn cho nhân viên để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ AI.
Để đạt được mục tiêu tích hợp công nghệ AI phù hợp với nhu cầu của khách hàng và lĩnh vực hoạt động, ngân hàng cần xác định rõ mục tiêu và mức độ tích hợp công nghệ AI. Cuối cùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo tính an toàn thông tin cho khách hàng là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tích hợp công nghệ AI vào hoạt động ngân hàng.
Tiến Hoàng