Gỡ vướng cơ chế để doanh nghiệp bứt tốc trong chuyển đổi số
Thương mại điện tử được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành “sân chơi tỷ đô” giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, buộc các doanh nghiệp phải bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số…
Tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo thông tin từ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình tăng từ 20% - 25%/năm. Qua đó, đưa Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Lĩnh vực đầy tiềm năng này góp phần phát triển kinh tế số, thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả.
Thực tế cũng cho thấy, thương mại điện tử nói riêng và quá trình chuyển đối số nói chung trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có sự lan tỏa mạnh mẽ. Minh chứng là tại một số chợ ở các quận như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai,… đạt tỷ lệ 96 - 100% các hộ kinh doanh trong chợ sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã triển khai 100% hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Không những vậy, các cá nhân, hộ kinh doanh tại các chợ, các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày càng tiếp cận và sử dụng phổ biến các hình thức bán hàng trực tuyến, tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn, giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, duy trì, mở rộng kinh doanh hiệu quả.
Việc ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử đã len lỏi vào hầu hết lĩnh vực, các doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới của thế giới, tranh thủ được thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh...
Cũng đề cập đến vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của doanh nghiệp, chia sẻ tại Tọa đàm “Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội”, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm HPA cho biết, chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hà Nội đã nhận thức được chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.
“Nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Thành phố đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững”, ông Lê Tự Lực nhấn mạnh.
Gỡ vướng cơ chế để phát triển
Mặc dù hiểu rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, tuy nhiên, theo đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, để thực hiện chuyển đổi số với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc…
Cụ thể, đề cập vấn đề này, bà Nguyễn Việt Huệ, Phó trưởng phòng Hỗ trợ thông tin và Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018, tuy nhiên việc phân bổ ngân sách đến năm 2023 mới triển khai và năm 2024 là năm thứ hai.
“Qua 2 năm triển khai Luật có một số điều bất cập cần phải chỉnh sửa, hiện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu để chỉnh sửa Thông tư. Mặt khác, Bộ cũng đánh giá tình hình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, để có những định hướng trong trường hợp những chính sách không còn phù hợp nữa, sẽ đề xuất Chính phủ trình ra Quốc hội để chỉnh sửa Luật sao cho hợp lý”, bà Huệ cho hay.
Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, cho biết, ngay sau khi các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Trung tâm đã triển khai nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Sau khi kế hoạch được ban hành, Trung tâm đã khẩn trương hoàn thành xây dựng, thiết lập phần mềm thu thập, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin để cung cấp các công cụ, tài liệu, giải pháp về chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, theo bà Hương, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng. Minh chứng, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng 40 bài giảng trực tuyến về lĩnh vực chuyển đổi số; tổ chức 108 khóa đào tạo trực tiếp tại 108 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến về chuyển đổi số; 10 khóa đào tạo (800 học viên) kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số cho người quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa; 120 khóa đào tạo khởi sự kinh doanh (9.600 học viên) và 88 khóa đào tạo quản trị kinh doanh (7.040 học viên) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ về công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Tổ chức triển khai tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được quy định tại các văn bản của Trung ương chỉ dừng ở mức độ những hỗ trợ nhỏ cho doanh nghiệp, mang tính phụ trợ, chưa thực sự đáp ứng, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu phát triển căn bản của doanh nghiệp nên chậm đi vào cuộc sống.
Đưa ra ví dụ về Điều 11 Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021, bà Hương cũng cho biết, Nghị định quy định về hỗ trợ thuê, mua phần mềm cho doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn vướng mắc, đặc biệt là trong công tác định giá phần mềm cũng như đánh giá hiệu quả của hoạt động hỗ trợ công nghệ; việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành và hiệp hội vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Để khắc phục tình trạng này, theo đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Thành phố cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tại các sở, ngành, hội, hiệp hội cũng như các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường truyền thông về các chính sách hỗ trợ đã quy định trong Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Để đảm bảo sự hỗ trợ này được thực hiện đồng bộ, liên tục và hiệu quả, cần bố trí ngân sách ổn định và hợp lý cho các chương trình, kế hoạch liên quan.