Chuyển đổi số - Cuộc cách mạng từ tư duy
Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là “một hành trình công nghệ” mà còn là “một cuộc cách mạng về tư duy” – Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế”.
Chiều 13/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế”. Chương trình do Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định tổ chức.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các nền tảng công nghệ số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yếu tố cốt lõi, quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các địa phương cũng như các quốc gia. Vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) không chỉ là những công cụ hỗ trợ, mà còn là chìa khóa mở ra những cơ hội mới, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa quản lý tài nguyên và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, hội thảo lần này là cơ hội quý báu để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời kiến tạo các giải pháp công nghệ thực tiễn và sáng tạo, hướng đến phát triển kinh tế dựa trên nền tảng số.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: Bình Định tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào phát triển hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý Nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong thời gian qua, Bình Định đã không ngừng đổi mới tư duy, cách làm việc và phương thức quản lý. Tỉnh đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, triển khai các dự án và đề án trọng điểm như Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đô thị phụ trợ, Đề án phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn - an ninh mạng, cùng các giải pháp công nghệ cao. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
Theo ông Tuấn, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là “một hành trình công nghệ” mà còn là “một cuộc cách mạng về tư duy”. Để đạt được thành công, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Bình Định sẵn sàng đóng vai trò là cầu nối, nơi hội tụ tri thức và công nghệ để cùng xây dựng một tương lai số toàn diện, bền vững.
“Qua hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp đột phá, những mô hình hợp tác hiệu quả để đưa các ứng dụng AI và IoT vào đời sống một cách thiết thực nhất. Và đây cũng sẽ là cơ hội để Bình Định tiếp tục học hỏi, khẳng định vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế số của cả nước”, Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng.
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Lê Nam Trung cho hay: "AI và IoT đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội. Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, là tác nhân chính của cuộc cách mạng chuyển đổi số”.
Tại đây, ông Lê Nam Trung cũng khuyến nghị tỉnh Bình Định cần xây dựng hệ thống cảm biến IoT cho đô thị thông minh, đặc biệt trong quản lý giao thông, năng lượng và môi trường; triển khai hạ tầng mạng 5G tại các khu công nghiệp, đô thị và khu vực kinh tế trọng điểm; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu AI IoT tại Bình Định bởi Trung tâm này sẽ đóng vai trò đầu mối trong nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các giải pháp AI IoT, kết nối với các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước; Xây dựng và triển khai nhanh từng bước chính quyền số; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế mũi nhọn…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe đại diện từ các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin như Trung tâm Công nghệ Phần mềm VNPT Technology, Công ty FPT Smart Cloud, Công ty Cổ phần Công nghệ Oryza System, Công ty Phát triển phần mềm Âu Lạc... trình bày các tham luận về các chủ đề như: Xây dựng hệ sinh thái IoT cho các hộ và doanh nghiệp; Kiến tạo tương lai kinh doanh mới với AI; Ứng dụng AI vào vận hành và kinh doanh, AI Factory; IoT, Metadata và AI trong lĩnh vực giám sát an ninh; Hệ thống truyền thông đa kênh cho cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.