Việt Nam nửa thế kỷ rạng rỡ vươn mình
Sau 50 năm đất nước thống nhất, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đây là nền tảng vững chắc để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Giấc mơ và hiện thực
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội (năm 1958), ông Nguyễn Văn An kể, ông sống ở khu Trúc Bạch, Ba Đình từ năm 1972, tính ra đã hơn 50 năm.

Trong ký ức của ông, sau khi đất nước thống nhất, Hà Nội vẫn còn nghèo và yên ắng. Nhà cửa phần lớn là cấp bốn, mái ngói, tường vôi. Đường phố nhỏ, xe cộ thưa thớt. Cả thành phố chỉ có vài tòa nhà cao tầng như khách sạn Bưu điện, vài khu tập thể do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng. Nhà 5-6 tầng đã được gọi là cao ốc.
Việt Nam của năm 2025 không còn là điểm đến FDI sơ khai như năm 1988, mà đang dần định hình là điểm đến chiến lược cho những dòng vốn "xanh", công nghệ, thông minh và bền vững.
Đây không chỉ là thành quả của nửa thế kỷ phát triển, mà còn là nền tảng vững chắc để Việt Nam vươn tới những mục tiêu tham vọng hơn trong thập niên tới, trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao, nền kinh tế số phát triển và trung tâm công nghiệp, công nghệ hàng đầu châu Á.
GS.TSKH Nguyễn Mại
Sang thập niên 80, 90, Hà Nội có thêm những khu tập thể như: Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên... Người dân có thêm chỗ ở khang trang hơn, dù vậy không gian sống vẫn còn chật hẹp và thiếu tiện nghi.
Đến sau năm 2000, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008, sự đổi thay mới thật sự diễn ra mạnh mẽ. Những tòa cao ốc bắt đầu mọc lên như Keangnam, Lotte, rồi đến các khu đô thị mới như Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình, Tây Hồ Tây...
"Nhiều bà con kiều bào lâu lâu mới về thăm quê, không khỏi choáng ngợp. Họ không nghĩ Hà Nội bây giờ không thua gì nhiều thành phố lớn trên thế giới", ông An kể.
Theo ông, ngày trước quanh Trúc Bạch, trung tâm thành phố thời đó chỉ có vài hàng tạp hóa, giờ thì có trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ngân hàng, nhà thuốc, quán cà phê... Con cháu ông được học trường quốc tế, chơi thể thao, học tiếng Anh... những điều mà thời ông chưa từng mơ tới.
"Tôi nhớ, tầm cuối những năm 1990 hay đầu 2000, có một tòa nhà ở đường Xuân Diệu đang xây. Cả khu Trúc Bạch chúng tôi ai cũng nhìn sang, bàn tán. Có người bảo rằng: "Tây Hồ mất hồn rồi".
Nhưng tôi lại nghĩ khác, đó là dấu hiệu của sự phát triển. Từ một vùng hồ yên ả, Tây Hồ dần thành khu vực đáng sống bậc nhất với biệt thự, khách sạn, nhà hàng, căn hộ cao cấp. Giờ nhìn lại, tôi vẫn thấy xúc động. Từ một Hà Nội khó khăn sau chiến tranh, đến một Thủ đô hiện đại, văn minh, đầy sức sống", ông An bày tỏ.
Doanh nghiệp lớn mạnh, người dân đổi đời
Cũng sinh ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Năm (80 tuổi), ở Cầu Giấy kể, thời bao cấp (trước năm 1986), tem phiếu là "giấy thông hành" để mua hàng thiết yếu. Mỗi gia đình được phát phiếu gạo, phiếu thịt, phiếu đường, phiếu vải... theo định mức. Một người lớn được mua 13,5kg gạo/tháng; 0,5m vải/năm, thịt thì chỉ vài lạng, thậm chí chỉ được phân phối vào dịp lễ, Tết.

Hàng hóa thiếu, có người xếp hàng cả buổi rồi về tay trắng. Có những gia đình phải cử người canh giờ, xếp hàng mua thực phẩm thiết yếu, ai đến muộn là hết. Mọi hoạt động trao đổi đều phải qua hệ thống mậu dịch.
Qua mấy chục năm, đời sống người dân có nhiều thay đổi. Hàng hóa dồi dào, mua bán tự do, cần gì mua đấy. Những đồ dùng như xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại trở nên bình dân. Học sinh được tiếp cận khoa học, áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao. Đó là những điều mà những người thế hệ ông chưa bao giờ tưởng tượng ra.
"Thay đổi, phát triển của đất nước mấy mươi năm cũng mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp Việt hội nhập", ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty Phương Linh, người được mệnh danh "Vua quạt đất Bắc" không giấu tự hào.
Ông Lê kể, ông khởi nghiệp từ những năm 80, khi đó người ta gọi ông là "ông chủ đồng nát". Khi ấy, kinh tế bao cấp, làm ăn khó khăn. Vốn liếng không có, ông chủ yếu phải tự thân. Xây dựng doanh nghiệp với 5-6 công nhân, ông vừa làm chủ, vừa làm thợ chính, tự tay làm từng chiếc quạt, từng chi tiết máy.
Sau khi đất nước đổi mới, doanh nghiệp được "cởi trói", chủ động hơn trong tiếp cận vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cũng nhờ thế, sau vài chục năm, từ tiểu thương, ông Lê trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất với cơ ngơi nhà xưởng hơn 16.000m2, hơn 300 lao động là các kỹ sư, chuyên gia và người lao động trong và ngoài nước.
Những sản phẩm của ông không chỉ cung cấp thị trường trong nước mà vươn mình sang những thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… "Tất cả những gì hôm nay tôi có được, ngoài những nỗ lực của bản thân, anh em trong doanh nghiệp, còn nhờ chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước xây dựng, tạo môi trường cạnh tranh tự do, minh bạch", ông Lê nói.
Kinh tế đi lên từ con số 0
Ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhớ lại: Năm 1975, Việt Nam thống nhất đất nước, nhưng kinh tế bị tàn phá nặng nề, khép kín, phụ thuộc viện trợ. GDP bình quân đầu người ước tính 50-100 USD (theo giá trị thời điểm đó). Sản xuất chủ yếu phục vụ tự cung tự cấp. Lạm phát ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung, kinh tế bị cô lập.

Chính phủ tập trung phân phối hàng hóa qua hệ thống tem phiếu, kiểm soát giá cả bằng mệnh lệnh hành chính. Kim ngạch xuất nhập khẩu thấp, chủ yếu là hàng nông sản và nguyên liệu thô (gạo, cao su) xuất sang các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc. Cán cân thương mại thâm hụt lớn. Thị trường gần như bị cô lập do cấm vận kinh tế từ Mỹ.
Đầu tư và vốn FDI chủ yếu từ ngân sách Nhà nước và viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, cảng biển, điện lực bị tàn phá nặng nề, gần như không có đầu tư mới.
"Tuy nhiên, sau 50 năm, kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, với độ mở cao, hội nhập sâu rộng", ông Nghĩa đúc kết.
Cũng theo ông Nghĩa, trong năm 2024, thu ngân sách vượt kế hoạch 8,5%, chi ngân sách tập trung vào đầu tư công, y tế, giáo dục. Chính sách tài khóa chủ động, kết hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt.
Cuộc sống của người dân không ngừng cải thiện. Với dân số khoảng 100 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, lực lượng lao động khoảng 52 triệu người, với 35% làm trong công nghiệp và dịch vụ, 30% trong nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, đạt khoảng 4.800 USD/năm. Tầng lớp trung lưu gia tăng, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Vốn FDI từ 2 triệu đến hơn 500 tỷ USD
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) nhìn nhận, một trong những dấu mốc quan trọng làm nên hành trình ngoạn mục là quyết định mở cửa nền kinh tế và chấp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 1988, thông qua Luật Đầu tư nước ngoài và dự án FDI, dự án đầu tiên tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Mại vẫn nhớ, khi đó Việt Nam vẫn là một nền kinh tế non trẻ, hạ tầng còn thiếu thốn, thể chế chưa hoàn thiện, nên nhà đầu tư quốc tế e dè. Tuy nhiên, dù khởi đầu khiêm tốn với chỉ 2 triệu USD, dòng vốn FDI vẫn từng bước đặt nền móng cho giai đoạn hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Từ năm 1991, sau khi Việt Nam có những cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, cùng lúc với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước lớn, làn sóng đầu tư nước ngoài đầu tiên thực sự bùng nổ.
Những thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như: PouChen, Feng Tay, Honda đã lựa chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất tại khu vực Đông Nam Á. Đây là thời điểm đánh dấu bước chuyển quan trọng. Việt Nam từ nền kinh tế nông nghiệp, dần hình thành hệ sinh thái công nghiệp xuất khẩu, bắt đầu từ giày dép, may mặc, xe máy và sau này là điện tử, cơ khí, ô tô, chế biến thực phẩm...
"Không chỉ đóng góp hàng chục tỷ USD vào GDP mỗi năm, khu vực FDI còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", ông Mại nhận xét.
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 42.002 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký lên tới 502,8 tỷ USD. Trong đó, gần 322,5 tỷ USD vốn thực hiện, tương đương 64,1% tổng vốn đăng ký, phản ánh niềm tin ngày càng lớn của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại 19/21 ngành kinh tế, hiện diện tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.
Hạ tầng "mở lối" hút vốn ngoại
Lý giải sức hút ngày càng tăng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng sự ổn định chính trị - xã hội là yếu tố then chốt, trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và rủi ro khó lường.
Cùng đó, kinh tế vĩ mô duy trì trạng thái ổn định, với tốc độ tăng trưởng GDP luôn nằm trong nhóm cao nhất khu vực nhiều năm liền, chứng minh nội lực phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Việt Nam cũng đang tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng với trên 100 triệu người, trong đó lực lượng lao động trẻ, năng động, có kỹ năng và chi phí cạnh tranh trở thành một lợi thế lớn.
Bên cạnh yếu tố con người, hệ thống hạ tầng đang không ngừng được cải thiện, từ mạng lưới cao tốc, cảng biển, sân bay cho đến các khu công nghiệp hiện đại, góp phần tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi, thông suốt; hỗ trợ xuất khẩu và logistics.
Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết và tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP… mở ra cánh cửa tiếp cận hàng loạt thị trường lớn với ưu đãi thuế quan và cam kết thương mại sâu rộng.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số đạt 20% GDP, thúc đẩy chuyển đổi số và công nghệ cao (AI, bán dẫn). Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế, thu hút FDI chất lượng cao và đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%.
Cuối cùng, chiến lược ngoại giao đa phương khéo léo, mềm dẻo và cân bằng giữa các đối tác lớn đã giúp Việt Nam giữ vững vị thế trong khu vực, đồng thời gia tăng sức hấp dẫn trong mắt các dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tái định hình sau đại dịch và căng thẳng địa chính trị, Việt Nam nổi lên như một trung tâm mới của dòng vốn FDI chất lượng cao. Không chỉ là nơi thu hút vốn, Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược, nơi các tập đoàn đặt niềm tin, chuyển giao công nghệ và cùng xây dựng giá trị dài hạn.
Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần có sự dịch chuyển đầu tư vào các ngành công nghệ cao và năng lượng sạch tại Việt Nam. Trong đó, sự kiện nổi bật là hợp tác với NVIDIA thành lập Trung tâm nghiên cứu AI. Đặc biệt, Hàn Quốc cũng lên kế hoạch nâng cấp đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, định vị Việt Nam như một phần trong chiến lược "Hàn Quốc+1".
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:
Cơ hội lớn duy trì đà tăng trưởng

Năm 2025 và giai đoạn tới, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có cơ hội lớn để duy trì đà tăng trưởng nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Các ưu tiên bao gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh đầu tư công, thu hút FDI công nghệ cao, phát triển kinh tế số và xanh, cải cách thể chế. Những giải pháp này không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 mà còn tạo nền tảng cho phát triển bền vững đến năm 2030 và xa hơn.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, chúng ta đối diện khá nhiều thách thức, trong đó có chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, Chính phủ đã có những kịch bản ứng phó kịp thời, nên khó khăn chắc chắn sẽ được tháo gỡ, giảm thiểu.
Dù vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng, doanh nghiệp nói chung cần chủ động đa dạng hóa về thị trường, cắt giảm chi phí, tái cấu trúc để vừa vượt khó, vừa bắt nhịp xu thế mới.
TS Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Bước nhảy vọt về khoa học, công nghệ

Nửa thế kỷ qua là một bước nhảy vọt mà gần như không ai có thể tưởng tượng chúng ta làm được.
Có nhiều lĩnh vực chúng ta đi lên từ hai bàn tay trắng. Ví dụ như quyết định sử dụng mạng internet, một quyết định vô cùng khó khăn, cân não. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất trên thế giới.
Trong xây dựng, việc xây tòa nhà 11 tầng bên hồ Giảng Võ đầu những năm 2000 được xem là kỳ tích. Nhưng bây giờ, chúng ta có thể thi công những tòa nhà hàng chục tầng, thậm chí hàng trăm tầng.
Tương tự, khi xây dựng trường Đại học Bách khoa, chúng ta phải nhờ kỹ sư Liên Xô sang giúp xử lý móng vì lún, nứt, thì nay tự làm một cách đơn giản. Cũng giống như hồi Liên Xô giúp xây dựng cầu Thăng Long, hiện nay chúng ta đã tự áp dụng công nghệ để xử lý lún, nứt mặt cầu thành công.
Đến nay, Việt Nam đã có bước nhảy vọt về công nghệ. Hàm lượng khoa học công nghệ đứng top đầu so với các nước ASEAN và châu Á, giúp cải thiện, nâng cao năng lực sản xuất. Giai đoạn 2016-2020 ghi nhận tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.
Với nông nghiệp, Việt Nam đã làm chủ công nghệ chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, góp phần đưa xuất khẩu nông sản đạt hơn 53 tỷ USD/năm 2023, với thặng dư thương mại ngành nông nghiệp vượt 11 tỷ USD.
Chúng ta cũng có những thành tựu rực rỡ trong y khoa, thành công trong các ca ghép tạng phức tạp, như ghép tim từ người cho chết não, ghép tạng tim - thận xuyên Việt; phát triển công nghệ y dược, sản xuất vaccine và thuốc tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Việt Nam là nước phát triển hàng đầu khu vực về khoa học công nghệ vũ trụ. Từ thời điểm đi thuê vệ tinh lúc ban đầu, giờ Việt Nam là một trong 16 nước có vệ tinh trên bầu trời, đồng thời có trung tâm vũ trụ hàng đầu Đông Nam Á, điều khiến thế giới phải nể phục. Năm nay, chúng ta sẽ phóng vệ tinh với công nghệ chụp hình bằng radar - công nghệ hàng đầu thế giới, để chinh phục không gian.
Nhóm phóng viên (ghi)