0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 01/03/2025 08:11 (GMT+7)

Miễn học phí cho học sinh trường công: Bước đột phá trong kỷ nguyên mới

Theo dõi KT&TD trên

Việc Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên cả nước từ đầu năm học mới 2025 - 2026 (tháng 9/2025 trở đi)

Là tin vui với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng đông đảo phụ huynh, học sinh; thể hiện tính ưu việt của chế độ, suốt bao năm nay mới thực hiện được.

Không còn nỗi lo học phí

Trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 28/2 để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai bước đầu việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Chính trị thống nhất cao chủ trương thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh chóng hơn nữa các nội dung của Nghị quyết 18 trong năm 2025.

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025 - 2026 (tháng 9/2025 trở đi). Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Tài Chính, một số bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc quyết định này.

Vui mừng vì quyết định nhân văn
Từ đầu năm học 2025 - 2026, học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước sẽ được miễn toàn bộ học phí.

Ngay sau khi được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh đã bày tỏ niềm vui, cũng như sự đồng tình, ủng hộ trước quyết định đầy tính nhân văn của Bộ Chính trị. Đây là nguồn động lực lớn để các nhà trường, gia đình có thêm điều kiện chăm lo, đầu tư cho việc học tập của học sinh.

Chị Hà Thị Huyền Trang (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bản thân chị và gia đình cảm thấy rất vui mừng khi nghe tin từ đầu năm học 2025 - 2026, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên cả nước. Chị Trang kể, vợ chồng chị là người Thái Bình, lên Hà Nội làm việc gần 10 năm nay. Chị và chồng đều là lao động tự do, tiền mỗi tháng kiếm được chỉ đủ lo sinh hoạt và ăn học cho hai con. “Có thể với những gia đình khá giả, tiền học phí không phải là vấn đề, nhưng với những gia đình như chúng tôi thì đây là một quyết định thật sự có ý nghĩa”, chị Trang tâm sự.

Là phụ huynh có 3 con đang trong độ tuổi ăn học, chị Nguyễn Thị Hồng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Khi nhận được thông tin này, tôi cảm thấy rất phấn khởi vì giảm bớt được gánh nặng về chi phí học hành của con. Hiện nhà tôi có 1 cháu học lớp 12, 1 cháu học lớp 4 và cháu còn lại học mẫu giáo. Các khoản thu, bao gồm cả học phí của con luôn khiến tôi lo lắng. Kinh tế không thuộc dạng khá giả nên khoản chi này chiếm một phần tương đối trong thu nhập của vợ chồng tôi. Chính vì vậy, tôi cho rằng đây là quyết định rất nhân văn”.

Cô giáo Phạm Khánh Vân (giáo viên Trường Trung học cơ sở Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho rằng, học phí luôn là vấn đề được quan tâm và tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định phù hợp thực tiễn.

“Với quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên cả nước từ đầu năm học 2025 - 2026 của Bộ Chính trị sẽ làm giảm bớt một phần gánh nặng đối với gia đình học sinh, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, gia đình sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong thời điểm giá cả leo thang đang tác động rất lớn đến đời sống; từ đó các gia đình sẽ có thêm nguồn lực để chăm lo cho việc học tập của con tốt hơn”, cô giáo Phạm Khánh Vân chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội), hiện nay, muốn nâng cao chất lượng nguồn lực, muốn đất nước phát triển bền vững thì phải chú ý vào giáo dục. “Tôi cho rằng quyết định của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập là một quyết định rất tuyệt vời, vừa động viên học sinh chăm chỉ học tập, vừa tiếp tục khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu và luôn được ưu tiên, phù hợp với bước phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ.

Góp phần quan trọng làm tăng chất lượng giáo dục

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về việc miễn học phí cho học sinh. Theo quy định hiện hành, từ ngày 1/9/2025, Nhà nước sẽ thực hiện miễn học phí cho tất cả học sinh công lập từ mầm non 5 tuổi đến trung học cơ sở (đến hết lớp 9).

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã quy định chính sách giảm 50% - 70% học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho nhiều đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh dân tộc (học ở trường công lập và trường dân lập, tư thục).

Vui mừng vì quyết định nhân văn
Việc thực hiện chính sách miễn học phí sẽ góp phần quan trọng làm tăng chất lượng giáo dục, được sự đồng thuận cao của xã hội.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên). Trong đó có: 3,1 triệu học sinh mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu học sinh mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở và 3 triệu học sinh trung học phổ thông.

Về kinh phí để thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh, trên cơ sở báo cáo của 46 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đến thời điểm hiện tại và các tài liệu, báo cáo gần đây, Bộ GD&ĐT căn cứ theo mức học phí tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ để ước tính nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông là khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Nếu trừ ngân sách địa phương của các tỉnh/thành phố đã thực hiện miễn học phí thì ngân sách trung ương sẽ phải thực hiện ít hơn số này.

Trên thực tế, mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định mức sàn, trần học phí quy định của Chính phủ.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, việc thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước sẽ góp phần quan trọng làm tăng chất lượng giáo dục, được sự đồng thuận cao của xã hội.

Theo các chuyên gia, quyết định miễn học phí đối với học sinh trường công của Bộ Chính trị thể hiện quan điểm xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, của Đảng ta "ai cũng được học hành"; "giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu". Cạnh đó, nhiều người mong muốn, khi kinh tế phát triển, nguồn ngân sách dồi dào, Thành phố có thể xem xét thu hồi các trụ sở cơ quan sau khi hợp nhất, dừng hoạt động để tiến hành cải tạo, xây trường công cho học sinh.

Bạn đang đọc bài viết Miễn học phí cho học sinh trường công: Bước đột phá trong kỷ nguyên mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỹ áp thuế đối ứng, nhóm ngành nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Chính phủ Mỹ vừa công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Quyết định này đã lập tức gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, khi nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đối mặt với nguy cơ suy giảm doanh thu nghiêm trọng.

Tin mới

Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại quận Long Biên, qua đó phát hiện khoảng 1.500 điếu cigar cùng thuốc lá ngoại nhập lậu, có dấu hiệu tiêu thụ trái phép.
VPBank NEO ra mắt tính năng chia sẻ biến động số dư cho nhân viên cửa hàng
Với mục tiêu không ngừng mang đến dịch vụ tài chính vượt trội, VPBank đã triển khai tính năng thông báo biến động số dư bằng âm thanh thông qua ứng dụng ngân hàng số VPBank NEO, mang đến trải nghiệm thanh toán liền mạch, giúp các giao dịch trở nên an toàn, nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Giá vàng biến động: Cơ hội đầu tư hay tín hiệu rủi ro?
Thị trường vàng luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư bởi vai trò trú ẩn truyền thống trước những biến động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, giá vàng đã chứng kiến những biến động mạnh chưa từng có.
Bất động sản cho thuê: Xu hướng đầu tư an toàn trong thời kỳ biến động
Thị trường tài chính toàn cầu đang trải qua những biến động mạnh mẽ, khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn hơn để bảo toàn và gia tăng tài sản. Trong bối cảnh đó, BĐS cho thuê nổi lên như một lựa chọn đầu tư hấp dẫn, mang lại dòng tiền ổn định và khả năng tăng giá trong dài hạn.