0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 09/01/2025 06:38 (GMT+7)

Ngành Thuế bứt phá chuyển đổi số, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Theo dõi KT&TD trên

Trong những năm qua, với những nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ, ngành Thuế thực hiện “mục tiêu kép” vừa hoàn thành dự toán thu ngân sách, vừa đẩy mạnh số hoá, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp,

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định nền kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Với những kết quả tích cực từ hành trình số hoá toàn diện trong công tác quản lý, Tổng cục Thuế được Bộ Tài chính công nhận là đơn vị có Chỉ số đánh giá Chuyển đổi số (DTI) đứng đầu toàn ngành Tài chính.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng; Thứ trưởng Cao Anh Tuấn và Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghi lễ kích hoạt chính thức vận hành Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

Ngành Thuế với những bước tiến vượt bậc trên hành trình số hoá

Tại Quyết định số 3049/QĐ-BTC ngày 24/12/2024 công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính năm 2023 với Bộ chỉ số 7 tiêu chí đánh giá được xây dựng trên những thước đo đánh giá toàn diện, khái quát về toàn bộ hoạt động chuyển đổi số trên các phương diện, gồm: (i) Nhận thức số; (ii) Thể chế số; (iii) Hạ tầng số; (iv) Phát triển cơ sở dữ liệu lớn; (v) Nhân lực số; (vi) An toàn, an ninh mạng; (vii) Hoạt động chuyển đổi số.

Chuyển đổi số - Điều kiện tiên quyết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.”

Với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ công tác cải cách hành chính và quản lý thuế với quyết tâm thực hiện thành công “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2023”, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ công tác hiện đại hóa, chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý thuế giai đoạn 2021-2030. Những nỗ lực chuyển đổi số của ngành Thuế trong thời gian vừa qua đã được Bộ Tài chính đánh giá, ghi nhận toàn diện thông qua việc Tổng cục Thuế được xếp thứ nhất trong cả 5/7 tiêu chí đánh giá và là đơn vị dẫn đầu chuyển đổi số của toàn ngành Tài chính (cụ thể: 05 tiêu chí xếp thứ nhất: Nhận thức số - Hạ tầng số - Phát triển cơ sở dữ liệu lớn - Nhân lực số - Hoạt động chuyển đổi số; 01 tiêu chí xếp thứ hai: Thể chế số; 01 tiêu chí xếp thứ năm: An toàn, an ninh mạng).

Là một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số công tác quản lý, ngành Thuế liên tục đẩy mạnh thực hiện triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế với ưu tiên thực hiện dựa trên nền tảng thuế điện tử để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh kinh tế số. Ngành Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cung cấp dịch vụ thuế điện tử, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý thuế.

Năm 2024, ngành Thuế tiếp tục thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức quản lý thuế, từng bước tích hợp đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.

Tiếp theo thành công trong triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT); dịch vụ thuế điện tử; triển khai tích hợp hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2024 công tác chuyển đổi số của ngành Thuế tiếp tục có bước tiến vượt bậc, thông qua việc nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn trên 148 giải pháp quản lý công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng thế giới phục vụ, tạo thuận lợi cho NNT.

Đồng thời, ngành Thuế đã tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác hỗ trợ NNT, quản lý nợ thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế... góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn; quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch theo đúng quy định pháp luật thuế của Việt Nam.

Ứng dụng eTax Mobile đóng góp nổi bật phục vụ cộng đồng

Với mục tiêu lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ, ứng dụng eTax Mobile do Tổng cục Thuế nghiên cứu, phát triển với tính năng nổi bật là thao tác thuận lợi, nhiều tiện ích và đảm bảo an toàn, bảo mật thông qua thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, giúp NNT có thể được trải nghiệm nhiều tiện ích, nhanh chóng và thực hiện mọi lúc mọi nơi, liên tục, ổn định, thông suốt 24/7 và phổ cập đến NNT trên phạm vi toàn quốc.

Vừa qua, eTax Mobile của ngành Thuế là một trong 5 ứng dụng được VTV Awards 2024 (Đài Truyền hình Việt Nam) đề cử lựa chọn cho hạng mục “Ứng dụng Chuyển đổi số ấn tượng của năm” - đây là hạng mục ghi nhận những đóng góp nổi bật phục vụ cộng đồng trong việc ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực thiết yếu, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.

Với việc triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong toàn ngành, từng bước tích hợp đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế lên môi trường số, cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số, ngành Thuế đã căn bản thay đổi toàn diện phương thức quản lý trên nền tảng thuế điện tử để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số, từ đó cụ thể hóa Chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.

Điểm nhấn công tác chuyển đổi số của ngành Thuế trong năm 2024, thu thuế từ hoạt động TMĐT tăng trưởng vượt bậc cùng sự ra mắt và vận hành của Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Kết quả, thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trong nước đạt 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023; Công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), năm 2024 đã có thêm 48 NCCNN đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam, nâng tổng số lên 123 NCCNN khai, nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% số thu cùng kỳ năm 2023.

Xác định công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số trong nước và xuyên biên giới là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường quản lý thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN. Ngày 19/12/2024, ngành Thuế đã triển khai Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT với các tính năng cơ bản như: đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, tra cứu; hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận phản hồi từ NNT; tự động hóa và tích hợp hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện nghĩa vụ thuế, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ, cá nhân kinh doanh cũng như tự động tính mức thuế dựa trên doanh thu mà NNT kê khai, giúp người kinh doanh dễ dàng theo dõi, nắm bắt số thuế phải nộp và chủ động thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT được kỳ vọng có thể hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số trong nước thực hiện các thủ tục về thuế. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch trong bối cảnh kinh doanh trên nền tảng số ngày càng mở rộng tại Việt Nam.

Chuyển đổi số không chỉ thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế, giảm chi phí tuân thủ cho NNT mà còn có lợi ích tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Để đẩy lùi tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp trên không gian mạng, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường các giải pháp về CNTT nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn những trường hợp gian lận, mua bán hóa đơn, hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa chi phí đầu vào, trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN. Bên cạnh đó, triển khai nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng HĐĐT trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh việc áp dụng hệ số tự động so sánh tổng giá trị hàng hóa đã bán ra trên các hóa đơn đã xuất với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào (hệ số K) trong quản lý rủi ro HĐĐT. 

Năm 2024, cơ quan thuế đã đưa 79.731 NNT thuộc diện cảnh báo cần rà soát, kiểm tra hoá đơn. Kết quả rà soát, kiểm tra đã chuyển sang cơ quan điều tra hồ sơ 501 NNT; ra Thông báo không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh với 4.423 NNT; đưa vào kế hoạch thanh tra kiểm tra 1.124 NNT; có 2.189 NNT đã ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động; NNT kê khai điều chỉnh tăng thuế phải nộp 4.750,32 tỷ đồng

Để cảnh báo tình trạng rao bán hóa đơn trái phép trên môi trường mạng, cơ quan thuế đã đưa ra khuyến cáo NNT chấp hành tốt chế độ hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật và tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh với hành vi mua, bán hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để tiến hành xử lý vi phạm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số - một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, Cục Thuế TP Hà Nội đã nghiên cứu, phát triển ứng dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ NNT” nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính thuế, nâng cao chất lượng phục vụ NNT. Kết quả, từ cuối tháng 11/2024 đến nay đã có gần 30.000 lượt hỏi/đáp trả lời NNT.

Ứng dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế” sẽ tự động trả lời, giải đáp các vướng mắc, nhanh chóng, chính xác với nội dung chi tiết, ngoài ra ứng dụng tích hợp sẵn hệ thống các mẫu biểu thủ tục hành chính hiện hành, những clip hướng dẫn trực quan, dễ hiểu. NNT có thể dễ dàng sử dụng, tương tác với trợ lý ảo mọi lúc mọi nơi thông qua các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, máy tính khi truy cập vào Cổng TTĐT ngành Thuế hoặc trên ứng dụng Zalo.

Sản phẩm “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế” là công cụ góp phần hỗ trợ người dân, DN tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế và khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm của ngành Thuế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, cải thiện chỉ số hài lòng NNT và hiện thực hóa được quan điểm xuyên suốt trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực quản lý quản lý thuế, từ đó góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chuyển đổi số vì người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp hiệu quả với các bộ, ban, ngành, địa phương; sự quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt trong chuyển đổi số; với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, ngành Thuế trong năm 2024 đã có dấu ấn rực rỡ khi lần đầu tiên số thu về đích đạt 1.732.800 tỷ đồng, bằng 116,5% dự toán (tương ứng vượt 245.588 tỷ), bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023. Có thể khẳng định, ngành Thuế đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao năm 2024, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo nguồn lực phục vụ an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

Nói về mục tiêu cải cách chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trường; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Tổng Bí thư, trong kỷ nguyên chuyển đổi số, quan hệ sản xuất có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.

Thực tiễn chuyển đổi số quốc gia thời gian qua đã minh chứng rõ nét cho nhận định nêu trên của người đứng đầu Đảng khi quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, đặc biệt là trong các bộ, ngành, với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới chính quyền số, mang lại kết quả thực chất hơn cho DN và người dân.

Triển khai định hướng và là “kim chỉ nam” trong quyết tâm cải cách, chuyển đổi số của Tổng Bí thư Tô Lâm vì người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, bước vào kỷ nguyên mới, ngành Thuế quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, với mục tiêu “Đến năm 2025 tối thiểu có 90% số NNT hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp”. Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ngành Thuế tiếp tục triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của NNT đối với sự phục vụ của cơ quan thuế để đánh giá khách quan việc cung cấp dịch vụ công, thực thi chức trách, nhiệm vụ liên quan đến NNT của cơ quan thuế các cấp; từ đó xác định các vấn đề cần cải thiện để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan thuế với NNT.

Kiên định mục tiêu quyết tâm thực hiện chuyển đổi số để từng bước đưa người dân và DN số hoá cùng với ngành Thuế, góp phần tạo nên thành công của cuộc cách mạng 4.0

Thêm “trái ngọt” cho những nỗ lực chuyển đổi số của ngành Thuế được công bố trong Quyết định số 3049/QĐ-BTC ngày 24/12/2024 công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính với Tổng cục Thuế 5/7 tiêu chí được xếp hạng đứng thứ nhất đã cho thấy ngành Thuế đã và đang là đơn vị dẫn đầu chuyển đổi số của toàn ngành Tài chính sẽ là một động lực quan trọng để toàn ngành Thuế nhất quán, kiên định trong quyết tâm thực hiện chuyển đổi số để từng bước đưa người dân và DN số hoá cùng với ngành Thuế, góp phần tạo nên thành công của cuộc cách mạng 4.0.

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự phát triển vững chắc với sự quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết, cùng niềm tin vững chắc từ những thành quả đã đạt được và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính, với quyết tâm xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kịp thời tham mưu về chính sách thuế và tổ chức thực hiện các chính sách, công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi nhất cho chính cộng đồng DN, người dân phát triển sản xuất kinh doanh để làm giàu, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025, hướng tới Đại hội XIV của Đảng là năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2021-2025 và đây cũng chính là điều kiện để đất nước bứt phá và tiến trình chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có ngành Thuế với mục tiêu góp phần hiện thức hoá khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Vũ Nguyễn Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Ngành Thuế bứt phá chuyển đổi số, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp xây dựng tìm cơ hội vượt khó
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng, đại diện các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp đã cùng nêu lên những khó khăn, đưa ra các kiến nghị để phát huy lợi thế, tạo thêm nguồn việc cho doanh nghiệp và đối mặt thách thức trong thời gian tới.
Nhờ giá điện tăng, EVN thoát lỗ trong năm 2024
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhờ tăng giá điện vào tháng 10/2024, EVN đã thoát lỗ năm qua. Tuy nhiên, con số chi tiết vẫn chưa được tập đoàn này công bố.

Tin mới

Đổi mới công nghệ: Động lực bứt phá cho ngành chè Việt Nam
Mặc dù có diện tích trồng chè lớn, sản lượng chè cao, tuy nhiên ngành hàng chè xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự đạt được những thành tựu như mong muốn. Để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, cần có những giải pháp mang tính hệ thống về quản lý chất lượng.
Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải vừa ký Công văn số 79/UBND-NC ngày 08/01/2025 về việc triển khai Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Phát hiện hàng chục tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Tết
Trên 10 tấn nội tạng động vật đông lạnh là sách bò, dạ dày bò, dạ dày lợn, trứng gà non không rõ nguồn gốc, xuất xứ vừa bị lực lượng QLTT chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế công an thành phố Hà Nội kiểm tra và thu giữ tại KCN Quang Minh và 01 cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì.
Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trong diện tích dự án trên địa bàn tỉnh.
Trà sữa trái cây: Xu hướng tạo trend mạnh mẽ năm 2025
Trà sữa trái cây đang nhanh chóng trở thành một xu hướng "hot" trong năm 2025, nhờ vào sự kết hợp hoàn hảo giữa trà sữa béo ngậy và trái cây tươi mát. Sự sáng tạo không ngừng trong hương vị và lợi ích sức khỏe đã khiến thức uống này thu hút mạnh mẽ giới trẻ, tạo nên một trào lưu toàn cầu.