Vì sao dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai vẫn chậm chạp?
Dù đã có rất nhiều nỗ lực trong chiến dịch “30 ngày đêm” cho giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhưng kết quả công việc mà cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đạt được đến thời điểm này vẫn còn rất hạn chế, vậy đâu là lý do?
Đôn thúc tiến độ để về đích ngày 30/6
Ngày 28/5 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào “30 ngày đêm” thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ghi nhận những nỗ lực cố gắng của thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành và các Sở, phòng, ban, ngành. Tuy nhiên cũng theo ông Võ Tấn Đức, những việc đã và đang làm chưa đạt kế hoạch đề ra. Vì vậy, phải tiếp tục gia hạn chiến dịch “30 ngày đêm” đến 30/6, tiếp tục bồi thường giải phóng mặt bằng với tinh thần “3 ca, 4 kíp”, làm ngày, làm đêm, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ.
Dẫn chứng cụ thể cho “việc đã và đang làm chưa đạt kế hoạch đề ra” như phát biểu của ông Võ Tấn Đức là vì trên thực tế công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án này hiện còn rất chậm chạp.
Riêng tại phường Phước Tân, theo báo cáo của cơ quan chức năng, để thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phường Phước Tân phải thu hồi 742 thửa đất với diện tích gần 38ha.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai, đến nay mới bàn giao được hơn 2,6ha (khoảng 12% diện tích đất cần bàn giao) cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa cho biết nhằm thực hiện phong trào thi đua “30 ngày đêm” chạy đua giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh phát động, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn qua phường Phước Tân.
Thời gian qua, các đơn vị đã xác nhận, thẩm tra nguồn gốc đất thêm 234 thửa đất, nâng tổng số thửa được xác nhận và thẩm tra lên 591 thửa (đạt gần 80%). Đồng thời, lực lượng chức năng cũng thẩm tra nguồn gốc 286 hồ sơ nhà ở, xét tái định cư cho 70 trường hợp.
Ông Hồ Văn Nam - Bí thư Thành ủy Biên Hòa cho biết, đến thời điểm này mới bàn giao 12% mặt bằng là quá chậm, nguy cơ khó về đích trước ngày 30/6 như cam kết với Thủ tướng Chính phủ.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đôn thúc với cả bộ máy đã và đang làm công việc giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là cần phải khẩn trương hơn nữa để thực hiện lời hứa của lãnh đạo tỉnh với Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6.
Đâu là lý do còn chậm chạp?
Nhiều tháng qua, lý do chậm bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho nhà thầu thi công đã được các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Đồng Nai đưa ra “mổ xẻ” tại nhiều cuộc họp, hội nghị liên quan.
Phần lớn ý kiến từ các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai xác định nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng của dự án này, chủ yếu do thiếu nhân sự tại địa phương để xác nhận nguồn gốc đất, dẫn đến chậm áp giá đền bù và chậm chi trả bồi thường cho người dân; chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai bị Thủ tướng phê bình quá chậm đều có lý do từ sự điều hành, dự báo.
Theo quy định, muốn thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải có tái định cư cho dân nhưng nhiều năm qua Đồng Nai chưa dự liệu, dự báo, tính toán hợp lý dự án nhà tái định cư cho dân dù trên giấy tờ chính quyền thừa biết ở địa bàn quy hoạch rất nhiều dự án trọng điểm quốc gia.
Điều này đã kéo theo những trì trệ trong giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ ở nhiều dự án khi chưa lo được chỗ tái định cư cho dân ở từng dự án cần di dời dân.
Cụ thể, như thành phố Biên Hòa bắt tay vào đền bù làm dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn loay hoay câu chuyện tái định cư cho dân đã dẫn đến lúng túng, làm cho tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng quá chậm.
Cạnh đó, hậu quả của việc quản lý đất đai từ chính quyền cơ sở, để xảy ra xây nhà trên đất nông nghiệp, mua bán qua nhiều đời nên xác minh nguồn gốc đất, quy chủ... càng mất thêm nhiều thời gian.
Dự án trên còn liên quan đến phần đất, tài sản của nhiều Bộ, ngành đóng trên tỉnh Đồng Nai (phải dời trụ điện cao thế, thu hồi đất cao su, đất an ninh quốc phòng...), cần phải có thêm sự tiếp sức, hỗ trợ tích cực từ nhiều bộ ngành để Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ dự án.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó đoạn đi qua Đồng Nai dài hơn 34km, qua Bà Rịa - Vũng Tàu 19,7km, được khởi công ngày 18/6, tổng vốn đầu tư gần 17.800 tỷ đồng.
Dự án chia thành 3 thành phần, thành phần 1 do Đồng Nai làm chủ đầu tư (dài 16km, tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng), thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (dài 18,2km, tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng) và thành phần 3 do Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư (dài 19,5km, tổng mức đầu tư 4.693 tỷ đồng). Theo kế hoạch, cao tốc này phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác năm 2025.