Vay tiêu dùng: Khách sợ lãi vay 'cắt cổ', công ty tài chính lo nợ xấu tăng
Mặc dù lãi cho vay tiêu dùng đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm nhưng nhiều khách hàng cá nhân vẫn ngại ngần vay vốn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng, công ty tài chính lại siết chặt do lo ngại nợ xấu.
Báo cáo của KB Securities mới đây cho thấy, mặc dù đã có sự cải thiện so với đầu năm song nhu cầu tín dụng vẫn tương đối thấp trong bối cảnh kinh tế chưa thực sự có nhiều điểm sáng. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển cho vay từ nhóm khách hàng cá nhân sang nhóm khách hàng doanh nghiệp cũng diễn ra ở một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ lớn như ACB, VIB, HDB.
Theo chia sẻ của một số ngân hàng, mảng khách hàng cá nhân vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng chậm hơn so với năm trước. Dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% từ đầu năm đến quý III/2023, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Người dân thắt chặt hầu bao
Mua nhà và mua xe là hai danh mục lớn trong cho vay tiêu dùng nay lại đang chứng kiến tình trạng ảm đạm. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại KB Securities, ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn khiến nhóm khách hàng cá nhân thắt chặt chi tiêu và không mặn mà với các khoản vay dù lãi suất có thấp hơn so với đầu năm.
Nhiều ngân hàng đã vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân. Lãi vay mua nhà tại nhiều ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 1 – 3%/năm so với hồi đầu năm. Theo khảo sát, lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng trong tháng 12/2023 dao động từ 3-10,99%/năm trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, nhưng trên thực tế, khách hàng mới chỉ được hưởng lãi vay ưu đãi trong giai đoạn đầu trong khi lãi suất thả nổi vẫn neo ở mức cao, rơi vào khoảng 9,5 - 13%/năm. Đơn cử như tại ngân hàng ACB, lãi suất cho vay mua nhà hiện đang ở mức 8,5%/năm trong 1 năm đầu và tăng lên 12,5% ở giai đoạn sau.
Chính vì vậy, nhiều người vẫn chưa có ý định mua nhà, tậu xe trong thời điểm này. Anh Quốc Chiến (32 tuổi, Hà Đông) từng có ý định vay ngân hàng 1 tỷ đồng để bù thêm vào khoản tiền tiết kiệm mua nhà.
“Sau khi tìm hiểu tại một ngân hàng thương mại, tôi được biết mức lãi suất năm đầu tiên sẽ là 6,8%/năm, sau đó phải chịu mức lãi lên tới 10,8%/năm. Tính ra, mỗi tháng tôi sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 17 triệu đồng/tháng nếu vay 10 năm. Chưa kể còn chi phí sinh hoạt, tiền học cho con nên hai vợ chồng đành tạm gác lại chuyện mua nhà và chờ xem tình hình thế nào rồi tính tiếp”, anh nói.
Lãi vay tiêu dùng tại các ngân hàng đã cao, lãi vay tiêu dùng tại các công ty tài chính còn cao hơn do là các khoản vay tín chấp. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng là từ 40 – 50%/năm, cá biệt, có trường hợp lên tới 85%/năm.
Không chỉ e dè mức lãi suất cao, nhiều người cũng lựa chọn thay đổi xu hướng tiêu dùng, cắt giảm mức chi tiêu, lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. Ngay cả trong giai đoạn gần Tết nguyên đán như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng và vay vốn của người dân vẫn chậm hơn mọi năm. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lo lắng doanh số mùa mua sắm cuối năm thấp khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng thắt chặt hầu bao hơn.
Tổ chức tín dụng siết chặt cho vay
Một mặt người dân "rụt rè" đi vay, mặt khác, nhiều ngân hàng và công ty tài chính cũng "chùn tay" cho vay vì lo ngại rủi ro nợ xấu từ mảng cho vay tiêu dùng đang ở mức đáng báo động.
Chỉ trong 10 tháng năm 2023, tổng dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã giảm tới 70.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Nợ xấu của các công ty tài chính tăng từ mức 10,7% trong cuối năm 2022 lên 12,5% tính đến cuối tháng 6/2023, theo thống kê của Fiingroup.
Nhiều công ty rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí thua lỗ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần Tài chính Tín Việt (VietCredit) lỗ 73,6 tỷ đồng hay Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FE Credit) ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng. Số khác không lỗ nhưng mức lợi nhuận cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, các đối tượng khách hàng dưới chuẩn sẽ là những người bị tác động đầu tiên, tiếp đến là các công ty tài chính bởi đây là phân khúc khách hàng chủ yếu của họ.
Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, thực trạng rủ nhau bùng nợ tín dụng diễn ra ngày càng nhiều. Tại nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, người đi vay còn rỉ tai nhau cách bùng nợ tín dụng, chây ỳ không chịu trả nợ. Số khác thậm chí còn hành hung cả người thu nợ khiến các công ty tín dụng rơi vào cảnh khó khăn.
Khi nợ xấu gia tăng, các công ty tài chính buộc phải siết chặt điều kiên cho vay và đẩy lãi suất vay lên cao. Điều này vô hình chung lại khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng khó tiếp cập nguồn vốn hơn, kéo theo lượng khách hàng của các công ty tài chính lại tiếp tục bị thu hẹp.
Trước thực trạng vay tiêu dùng gặp khó, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Đồng thời, cần tăng cường chuyển đổi số, quyết liệt triển khai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đầy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn.
Ngoài những giải pháp trên, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, điều cần làm là kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước bằng cách đẩy nhanh tiến độ thực thi hoàn thuế VAT; các chính sách giãn hoãn thuế, phí; hỗ trợ giảm thuế thu nhập cá nhân; thực hiện cải cách tiền lương.
Khánh Tú