Nợ xấu tăng mạnh, Big4 rao bán nhiều tài sản “khủng” để thu hồi nợ
Trước tình trạng thị trường bất động sản "đóng băng" khiến ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi nợ, Big4 ngân hàng đã đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp của các doanh nghiệp để sớm thu hồi nợ.
Big4 "ráo riết" thu hồi nợ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 510 tỷ đồng của Công ty CP Sado Germany Window tại chi nhánh Đông Đồng Nai.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay bao gồm các tài sản gắn liền với đất tại Nhà máy sản xuất kính cường lực tại Hẻm 194, đường Phùng Hưng, ấp Long Đức 3, xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; cùng với máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tại Nhà máy sản xuất kính cường lực cũng tại địa chỉ nói trên.
Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo bởi các phương tiện vận tại là xe tải Thaco 2,3 tấn, xe tải có cần cẩu Thaco 6,2 tấn, xe tải chở kính Isuzu 3,5 tấn, xe tải Hyundai 18 tấn, xe Toyota Fortune, xe Ford Transit.
Ngoài khoản nợ trên, BIDV cũng mới thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh phát sinh tại BIDV Ninh Bình và BIDV Tam Điệp. Theo BIDV, giá trị ghi sổ khoản nợ của 2 công ty trên tạm tính đến ngày 29/10/2023 là gần 752,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 562,6 tỷ đồng; Nợ lãi trong hạn: 186,5 tỷ đồng; Nợ lãi quá hạn: 3,2 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho 2 khoản nợ trên là một loạt bất động sản tại TP.Ninh Bình và thành phố Nam Định. Trong đó, có Trụ sở của Công ty XD Nam Ninh tại đường Phạm Văn Nghị, phường Đông Thành, TP.Ninh Bình và Nhà hàng, khách sạn, nhà triển lãm được xây dựng trên 2 thửa đất có tổng diện tích 17.800m2 tại phường Ninh Khánh, TP.Ninh Bình. Ngoài ra, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ còn có phần vốn góp của ông Vũ Đức Thông tại Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh; 1 ô tô BMW M6 Gran Coupe.
Không chỉ riêng BIDV, thời gian gần đây, Agribank cũng rao bán nhiều khoản nợ "khủng", được thế chấp bằng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn.
Hồi tháng 8, ngân hàng này đã chào bán khoản nợ của Công ty cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) với giá khởi điểm hơn 1.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án "Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia – Khu B" tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Cụ thể, gồm: Các tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Khu B là căn hộ hình thành trong tương lai (bao gồm 690 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36), Công trình xây dựng hình thành trong tương lai (bao gồm Tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại).
Ngoài khoản nợ nghìn tỷ của Marina Hotel, Agribank cũng liên tục rao bán các khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong đó, Agribank chi nhánh Tràng An đăng bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà băng này còn một khoản nợ phải thu hồi với CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc, giá khởi điểm rao bán lần thứ 3 gần 253 tỷ đồng.
Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Đây là Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng này do Tập đoàn Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư, được khởi công chính thức vào cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng.
Agribank cũng mới thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 279 tỷ của Công ty TNHH Suối Cát tại Chi nhánh tỉnh Bình Thuận.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ Khu vui chơi giải trí Suối Cát (xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết); 3 QSDĐ tại số 383 Trần Quý Cáp, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết; giá trị tài sản hình thành trong tương lai Khu vui chơi giải trí Suối Cát giai đoạn 2 trên tổng diện tích đất là 21.132 m2 bao gồm các công trình: Tàu lượn cao tốc, vũ trường, bãi đậu xe, cổng bán vé, phao đụng, xe đụng, khu vườn cây ăn quả.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai Khu vui chơi giải trí Suối Cát giai đoạn 2 trên tổng diện tích: 6.570,5 m2 (bao gồm các hạng mục: Sân khấu ngoài trời có mái che và phần san lấp mặt bằng); tài sản hình thành trong tương lai Khu vui chơi giải trí Suối Cát giai đoạn 2 (các hạng mục: Quảng trường trung tâm, khách sạn), cùng với một số tài sản hình thành trong tương lai khác tại dự án này.
Ngân hàng VietinBank những tháng qua cũng liên tục tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 560 tỷ đồng của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay.
Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 - 2018. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với CTCP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Trong lần thông báo mới nhất, VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là gần 174 tỷ đồng, chỉ bằng nửa dư nợ gốc (327 tỷ đồng).
Tại Vietcombank, ngân hàng này vừa thông báo phát mại nhà máy sản xuất container tại khu công nghiệp KCN Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương với giá khởi điểm hơn 268 tỷ đồng.
Ngày 11/8, ngân hàng này cũng đăng bán 1 nhà máy chế biến thủy sản khô tại TP Đà Nẵng với giá khởi điểm hơn 49 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng rao bán 30 Quyền sử dụng đất liền kề với nhau với tổng diện tích là 2,14 hecta, trong đó có 300 m2 đất ở; 21.105 m2 đất cây lâu năm tại Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Giá khởi điểm cho số tài sản này là 30 tỷ đồng.
Kể từ đầu tháng 8 đến nay, BIDV cũng có hơn 20 thông báo xử lý nợ, tài sản đảm bảo. Trong đó, nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo có giá trị hàng chục tỷ đồng như: Tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tân Thuận Phát (giá khởi điểm 82,2 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất gạch ngói không nung Phú Hưng Long (giá khởi điểm 24,9 tỷ đồng),….
Rao bán nhiều lần nhưng vẫn không hút người mua
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), do tình hình kinh tế không mấy khả quan đã tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, khiến rủi ro nợ xấu gia tăng.
Để cứu vớt các khoản nợ xấu, ngân hàng phải “ráo riết” công bố danh sách ngày càng nhiều các bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng cần xử lý để thu hồi nợ. Trong đó phần lớn là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn 4 - 5 sao ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang.
Bên cạnh đó, cũng có nhà đầu tư “vỡ nợ”, bị ngân hàng phát mãi do không tính toán phương án tài chính hợp lý, lạm dụng đòn bẩy tài chính để đầu cơ nhà đất…
Việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nhiều phụ thuộc vào bất động sản. Rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng thanh khoản cũng không hề dễ dàng.
TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận xét, có nhiều lý do khiến tài sản bất động sản được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không thu hút người mua.
Phần lớn bất động sản phát mại đều là cao ốc văn phòng, đất nông nghiệp, nhà xưởng, kho bãi… của doanh nghiệp.
Những bất động sản này có giá trị lớn nhưng tính thanh khoản sẽ không cao bằng căn hộ, nhà phố. Nếu tài sản là nhà xưởng, máy móc gắn liền với bất động sản thì theo thời gian, các tài sản này sẽ xuống cấp, không còn hấp dẫn người mua. Dù tài sản đã được ngân hàng thẩm định kỹ trước khi cho vay nhưng vẫn có nguy cơ rủi ro pháp lý, các thủ tục xử lý tài sản này vẫn còn chậm so với mua trực tiếp từ chủ đầu tư…
VARS dự báo, trong thời gian tới, tỷ lệ nợ xấu sẽ có xu hướng tăng lên do thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, thanh khoản tài sản bất động sản phát mại sẽ có khả năng được cải thiện hơn.
Anh Thư