Vấn nạn hàng giả, hàng nhái khiến thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi
Theo ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong 6 tháng đầu, lực lượng QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỉ đồng. Tuy nhiên những vụ việc đó chúng tôi đánh giá rằng vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Thông tin tại Tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ giữa năm 2022, vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Điều này thể hiện ở 3 khía cạnh: Thứ nhất là thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm; thứ hai là chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; và thứ ba là phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng nhái.
Đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, ông Trần Hữu Linh cho biết, trong khoảng một năm trở lại đây, đơn vị liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
Đối với các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, ông Trần Hữu Linh cho biết, hàng giả cũng được sản xuất trực tiếp ở trong thị trường nội địa rất nhiều. Những mặt hàng của Việt Nam, thậm chí là những mặt hàng liên quan đến đồ ăn, thức uống đều được sản xuất, làm giả, làm nhái ở trong thị trường nội địa.
Liên quan đến về sản phẩm bị làm giả, ông Trần Hữu Linh nhận định, ngày xưa thường hay thấy hàng giả xảy ra nhiều về quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nhưng bây giờ cả những mặt hàng rất tinh vi như thực phẩm chức năng cũng bị làm giả.
Đối với phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng giả xuất phát từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam vào trong thị trường nội địa và nguồn hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước.
Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, sau 2 năm dịch Covid-19, việc mua bán trên thương mại điện tử của người dân rất bình thường. Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử bây giờ là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỉ đồng. Tuy nhiên những vụ việc đó chúng tôi đánh giá rằng vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Ông Trần Hữu Linh nhận định, Thương hiệu bị làm giả, làm nhái và nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng giả vừa rẻ, người dân thì vẫn thỏa hiệp trong việc mua hàng giả. Do vậy thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đang bị chịu nhiều thiệt thòi đối với vấn nạn hàng giả hiện nay.
Vì vậy, để chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu. Một là, triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả. Hai là, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet. Ba là, tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội
Tháng 5 vừa rồi, Tổng cục Quản lý thị trường đã trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử đến năm 2025, trực tiếp lực lượng Quản lý thị trường được giao chủ trì triển khai Đề án này.
Lực lượng quản lý thị trường đã mời tất cả các bộ, ngành liên quan, từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính… là những đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp có nhiệm vụ trong công tác chống hàng giả để cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Từ việc làm sao để chống thất thu thuế trên thương mại điện tử đến việc làm thế nào dùng những biện pháp kỹ thuật để truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng, trên những sàn giao dịch thương mại điện tử, những mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok hay các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện nay người dân mua rất nhiều như: Lazada, Shopee, Tiki….
Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, URC luôn chủ động khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, các nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm. Đối với thương hiệu của URC, luôn có những đặc điểm phân biệt rõ ràng về đầy đủ các thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Chúng tôi cũng thực hiện những chiến lược truyền thông thông qua các kênh truyền thông chính thức như tivi, báo chí để làm sao cho người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng các sản phẩm chính hãng của công ty như là C2, Rồng đỏ và các nhãn hiệu khác của Công ty”, bà Hiền nhấn mạnh.
Anh Đào