Tập trung triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số vướng mắc khiến các dự án chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Đã hoàn thành 307 dự án, 157.000 căn hộ nhà ở xã hội
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay trên cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn hộ với tổng diện tích hơn 7,95 triệu m2. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công với tổng số 18.768 căn hộ.
Để hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng. Tổng cộng, 21 dự án đã đủ điều kiện với quy mô 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.
Đến nay, cả nước đã thực hiện giải ngân trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Hiện nay, các chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai 418 dự án với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22,56 triệu m2.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ được giao.
Vướng mắc lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách
Đề cập đến việc triển khai Đề án, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho thành phố hoàn thành 69.700 căn nhà ở xã hội vào năm 2030, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 có 26.200 căn.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố rà soát trên địa bàn có 86 khu đất đang thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp…
Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2025 hoàn thành 40 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 18 dự án hoàn thành trước năm 2025 với khoảng 25.000 căn hộ. Hà Nội cũng đã xác định 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích đất khoảng 300ha.
Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng làm cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư 5 dự án nhà ở này.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết: Thành phố Hải Phòng đã khởi công 6 dự án nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 12.336 tỷ đồng, diện tích 66,36ha, quy mô trên 9.500 căn hộ.
Hiện nay, thành phố cũng đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu một số dự án khác nhằm từng bước hiện thực hóa Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Thành phố Hải Phòng đã ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tập trung nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản; rà soát, công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng có hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của các dự án bất động sản. Trong đó, những giải pháp quan trọng là rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất; hoàn thiện chính sách về thuế phù hợp với tình hình kinh doanh bất động sản; ban hành quy định, chính sách về thế chấp, giao dịch bất động sản; quy định chặt chẽ về xác định nguồn vốn chủ sở hữu và vốn pháp định đối với chủ đầu tư các dự án…
Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, Nhà nước sẽ không đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án nhà ở xã hội tập trung để giảm giá thành, đồng thời xem xét chỉnh sửa tỷ lệ lợi nhuận định mức để khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án.
UBND thành phố Hải Phòng cũng kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng bất động sản để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Tập trung xây dựng Luật để khai thông bế tắc
Liên quan đến vấn đề thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Quốc hội đã cho ý kiến lần 1 với 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Bộ Xây dựng xác định đây là các bộ Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của ngành Xây dựng, các Sở, cơ quan chuyên môn và địa phương.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quan tâm đến nhóm chính sách đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội. Đây là vấn đề còn gây lúng túng vì có nhiều quy định pháp luật chồng chéo. Bộ Xây dựng rất mong muốn xây dựng được các quy định rõ ràng, thông thoáng, đồng bộ, không bị chồng chéo với các quy định pháp luật khác, từ đó tạo điều kiện hoàn thành Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị lãnh đạo các Sở, ngành tiếp tục quan tâm, tham mưu UBND các tỉnh, thành phố triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội. Các địa phương cần có sự vào cuộc, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm sẽ có thêm nhiều dự án được bán ra thị trường.
Về phía các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, cần tập trung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy trình đầu tư các dự án.
Phát biểu chỉ đạo về nội dung phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo chăm lo nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, người lao động.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đặc biệt là các Nghị định hướng dẫn kèm theo. Việc tập trung nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tăng cường làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp, chính sách mới để triển khai tốt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Các Sở Xây dựng cũng phải tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong xây dựng nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể.
Hữu Mạnh