Đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội
Để triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ được giao và báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn.
Loạt dự án đủ điều kiện tiếp cận vốn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn. Trong số đó, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn bao gồm Hải Phòng 4 dự án với 6.707 căn; Hà Nội 1 dự án có khoảng 720 căn và Lâm Đồng 1 dự án tương đương 303 căn.
Cùng đó là 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 11.038 căn; trong đó, Hải Phòng có 1 dự án với 2.538 căn, Bình Định 1 dự án khoảng 1.500 căn và Bắc Giang 1 dự án tương ứng 7.000 căn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ghi nhận 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô là 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030), báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến ngày 18/6/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ.
Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Về công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2; đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua vẫn tồn tại việc mua bán trái phép nhà ở xã hội. Theo quy định pháp luật hiện hành, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Một trong những nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội được quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014 là bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Nếu bên thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định thì đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đối tượng mua nhà ở xã hội đã được pháp luật quy định rõ ràng. Trong đó có người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo và khu vực đô thị, người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp, lực lượng vũ trang… Điều kiện mua nhà ở xã hội phải đáp ứng như, chưa có nhà ở, có nhà ở nhưng diện tích bình quân nhỏ hơn 10m2/người; đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú và đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên nơi có dự án.
Về trình tự tiếp nhận hồ sơ nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ tiếp nhận, lập danh sách người dự kiến mua gửi Sở Xây dựng và phối hợp cơ quan liên quan, rà soát danh sách để cập nhật, đảm bảo công khai, minh bạch... Sau đó tiến hành tổ chức bốc thăm.
“Như vậy các quy định liên quan mua/bán nhà ở xã hội công khai, minh bạch và chặt chẽ, đảm bảo tránh tình trạng trục lợi chính sách và đúng đối tượng được hưởng. Trường hợp phát hiện sai, bán không đúng đối tượng phải thu hồi” - ông Sinh nêu rõ.
Để triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ được giao và báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn, đồng thời, chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án.
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách cũng cho biết, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được hơn 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia đã kiến nghị một số nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ tiêu Chính phủ giao về xây dựng nhà ở xã hội như sau: Một là nhóm giải pháp về quy hoạch. Chương trình phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội phải gắn với kế hoạch sử dụng đất. Nói cách khác là quỹ đất cụ thể phải đặt ra cho nhà ở xã hội.
Hai là, nhóm giải pháp về quy trình thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần mang tính đặc thù, rút ngắn khâu và thời gian giải quyết.
Ba là, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách như lợi nhuận, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng, liên quan vấn đề giá đền bù, chi phí giá đất của doanh nghiệp bỏ ra đầu tư. Chính quyền cần tạo ra quỹ đất sạch, nhà đầu tư có thể ứng tiền, nhưng đơn vị chịu trách nhiệm chính vẫn là cơ quan Nhà nước.
Thứ tư, là nhóm giải pháp về tiêu chí người mua, thuê hoặc thuê mua và thủ tục xét duyệt với thời gian nhanh gọn, thẩm định rõ ràng. Giải ngân trong ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương cần thực hiện theo mục tiêu của Đề án Chính phủ đặt ra, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn.
Năm là, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ, có giải pháp cho từng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Hiệp hội và doanh nghiệp đăng ký lịch làm việc với các địa phương để giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.
Hồng Quang